Hải Dương đề xuất đầu tư 2.297 tỉ đồng để mở rộng tuyến đường Quốc lộ 37 lên 2-4 làn xe. Đáng chú ý, chi phí phục vụ GPMB, bồi thường cao gấp 4 lần chi phí xây dựng tuyến đường.
Nâng cấp 12km quốc lộ 37 đoạn qua Hải Dương yêu cầu kinh phí 2.297 tỉ đồng. Ảnh minh họa
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây đã có văn bản phản hồi UBND tỉnh Hải Dương về đề xuất nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 37 đoạn thuộc địa phận tỉnh này.
Trước đó, vào cuối tháng 5/2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã có tờ trình đề nghị Bộ GTVT phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 37 đoạn từ Km87+403 – Km99+680, tỉnh Hải Dương.
Dự án có điểm đầu tại điểm giao với Quốc lộ 18, điểm cuối giáp ranh với tỉnh Bắc Giang. Tổng chiều dài tuyến xây dựng khoảng 12km nằm trên địa bàn TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Dự án sẽ được nâng cấp theo quy mô đường cấp III đồng bằng, 2-4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, chia thành 2 đoạn:
Đoạn Km87+403 – Km92+900 sẽ mở rộng lên 4 làn xe cơ giới (chiều rộng nền đường 20,5m); đoạn Km92+900 – Km99+680 sẽ là 2 làn xe cơ giới (12m)
Hướng tuyến nghiên cứu cơ bản bám theo đường cũ hiện tại, chỉ cải nắn cục bộ để đảm bảo hướng tuyến được hài hoà, êm thuận và đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến, hạn chế tối đa giải phóng mặt bằng.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 2.297 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 414 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 1.632 tỉ đồng, được đầu tư từ Ngân sách nhà nước (từ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, giai đoạn 2025 – 2030 và nguồn vốn bổ sung, tiết kiệm hoặc dư của kế hoạch đầu tư công, nguồn vốn hợp pháp khác).
Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, dự án sẽ khởi công vào quý 4/2024, hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng khoảng 24 tháng kể từ ngày khởi công.
Tiếp nhận báo cáo trên, Bộ GTVT yêu cầu tỉnh Hải Dương cho ý kiến về sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt; đảm bảo hiệu quả kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của địa phương; sự phù hợp về mục tiêu, địa điểm, phạm vi, quy mô dự kiến; các nội dung liên quan khác của dự án