Đây là các khoản phải thu đã tồn đọng từ trước năm 2017, từ nhiều đơn vị hiện không còn tồn tại…
Thông tin này được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) được tổ chức ngày 26/4.
Gỗ Trường Thành chấp nhận mất hơn 400 tỉ nợ khó đòi vì khả năng thu hồi gần như không có
Theo đó, Ban tổng giám đốc Gỗ Trường Thành ghi nhận các khoản dự phòng phải thu khó đòi vào ngày lập báo cáo tài chính riêng của công ty là hơn 798 tỉ đồng và báo cáo tài chính hợp nhất của công ty cùng các công ty con là hơn 441 tỉ đồng.
Theo đó, Gỗ Trường Thành dự kiến xóa sổ các khoản thu khó đòi tồn đọng nhiều năm mà HĐQT đánh giá không có khả năng thu hồi là hơn 426 tỉ đồng.
Nhận định và đánh giá về khả năng thu hồi nợ, Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành cho rằng các khoản phải thu khó đòi đã được trải qua quá trình thu hồi kéo dài nhiều năm và không có khả năng thu hồi.
Theo ông Tín, đây là các khoản phải thu đã tồn đọng từ trước năm 2017, từ nhiều đơn vị hiện không còn tồn tại. Ngoài ra, một số ít của các đơn vị còn tồn tại vẫn đang được truy đòi, tuy nhiên, khó có khả năng chi trả. Đối với các đơn vị này, Gỗ Trường Thành vẫn thực hiện mọi biện pháp pháp lý có thể nhằm thu hồi nợ.
Về trích lập dự phòng rủi ro, các khoản nợ phải thu khó đòi của công ty đều đã được trích lập dự phòng 100% trong nhiều năm, nên việc xóa bỏ sẽ không gây ra ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.
Tại đại hội, Gỗ Trường Thành cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu 2.222 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 54 tỉ đồng.
Năm 2022, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 2.014 tỉ đồng, tăng 24% so với năm 2021. Mặc dù doanh thu tăng trưởng nhưng doanh nghiệp bất ngờ báo lỗ sau thuế hơn 1,2 tỉ đồng trong khi cùng kỳ lãi ròng 2,5 tỉ đồng. Trước đó, báo cáo tự lập của công ty này vẫn báo lãi hơn 6 tỉ đồng.
Hiện tại, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp một thời gắn với biệt danh “vua gỗ” vẫn còn mất cân đối khi nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn. Tính đến cuối năm 2022, Gỗ Trường Thành còn lỗ lũy kế hơn 3.070 tỉ đồng.
Theo báo cáo kiểm toán năm 2022, Gỗ Trường Thành đang phải trả khoản lãi hàng trăm tỉ đồng dựa trên số tiền 1.032 tỉ đồng do Vinhomes trả trước từ năm 2017.
Cụ thể, vào tháng 5/2017, Gỗ Trường Thành được chọn là nhà cung cấp chiến lược sản phẩm gỗ thành phẩm cho các dự án của Vinhomes và các công ty con với tổng giá trị dự kiến lên đến 16.000 tỉ đồng. Cùng thời điểm, Vingroup và công ty con là Vinhomes đã đặt cọc lần lượt 70,4 tỉ đồng và 1.032 tỉ đồng với lãi suất thả nổi.
Tuy nhiên từ 2019, Gỗ Trường Thành mới công bố chi tiết khoản lãi phải trả cho Vinhomes. Mức lãi suất được ghi nhận trong năm 2022 là 5,5%, đây là mức lãi suất thấp đặc biệt so với các khoản vay trong thời gian này, thường không dưới 10%/năm.
Gỗ Trường Thành cho biết, vào ngày 15/5/2022, hai bên đã gia hạn thỏa thuận thêm 5 năm nữa, đến năm 2027. Vì vậy, công ty đã thay đổi kỳ hạn ghi nhận từ ngắn hạn sang dài hạn.
Nhờ khoản tiền nghìn tỉ ứng trước từ Vinhomes, Gỗ Trường Thành đã trả nợ các khoản lãi vay từ ngân hàng. Tại thời điểm cuối năm 2017, nợ vay của công ty còn gần 900 tỉ đồng, giảm hơn 1.740 tỉ đồng so với năm 2016. Các khoản nợ vay của Gỗ Trường Thành cũng liên tục giảm từ năm 2017 trở về sau.