Giữ vững thị trường xuất khẩu thủy sản

Biên phòng – Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, quý I/2023 xuất khẩu (XK) hàng hóa sụt giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 79,17 tỷ USD. Trong đó kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 1,79 tỷ USD, giảm sâu tới 25% so với cùng kỳ năm 2022. Các chuyên gia nhận định tình hình sản xuất, XK thủy sản vẫn tiếp tục trầm lắng do đường xuất ngoại của các mặt hàng thủy sản gặp phải thách thức.


Các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp nuôi trồng và XK cần ứng dụng nhiều hơn nữa công nghệ hiện đại. Ảnh minh họa

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tôm là mặt hàng XK chủ lực có mức giảm mạnh nhất, tới 40%; tiếp đến cá tra giảm 38%; cá ngừ giảm 30%… Đáng lo ngại là các thị trường XK thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc (chiếm 58,18% tổng kim ngạch XK) đều sụt giảm mạnh.

Bên cạnh lý giải do lạm phát toàn cầu khiến nhu cầu nhập khẩu tại nhiều quốc gia giảm và chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao khiến giá thành sản phẩm thủy sản cao, ngành nuôi trồng thủy sản đang loay hoay với bài toán năng lực cạnh tranh.

Doanh nghiệp thủy sản Việt đang chịu sức ép lớn của các đối thủ cạnh tranh, mất nhiều đơn hàng, lao động mất việc làm, chi phí tăng. Chênh lệch tỷ giá khiến hàng xuất khẩu từ Việt Nam có giá cao hơn đối thủ tại các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU.

Mặt khá, thị hiếu tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu hấp dẫn của thủy sản Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đòi hỏi chất lượng cao, tiêu chuẩn nghiêm ngặt, thiên về sản phẩm chế biến, bảo quản lâu, trong khi nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn dạng thô hoặc sơ chế.

Trung Quốc tuy mở cửa thị trường nhưng đồng thời cũng siết chặt các tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó vì thủ tục cấp phép khi XK thủy sản sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó, một số nông sản Việt bị các cơ quan quản lý tại Mỹ áp dụng các công cụ bảo hộ như điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp để đánh thuế cao; sản phẩm tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc đang bị vướng quy định về hạn ngạch, phải chịu mức thuế 14 – 20%…

Trong bối cảnh chung, XK thủy sản khó có sự bứt phá ngoạn mục như năm 2022 khi lần đầu tiên đạt mốc kim ngạch XK 11 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn còn nhiều dư địa cần tận dụng để mở rộng thị trường, tăng trưởng XK trong các tháng tiếp theo.

Việc Trung Quốc mở cửa mang lại hy vọng lớn về sự hồi phục nhu cầu không chỉ ở thị trường này mà cả các thị trường khác trên thế giới khi mà du lịch và giao thương được thông suốt, tác động đến sức cầu tiêu dùng.

Cùng với Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU thì các nước ASEAN là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 của Việt Nam. Đây là các thị trường được nhận định có tiềm năng lớn trong năm 2023 khi các nước khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19. Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu mới ở khu vực châu Á, Trung Đông có khả năng mở rộng.

Vấn đề cốt lõi để tăng trưởng XK thủy sản là những giải pháp nội tại của ngành. Nhìn tổng thể, ngành thủy sản đang có bước chuyển quan trọng từ khai thác, đánh bắt là chủ yếu sang nuôi trồng thâm canh. Nhưng để vượt qua khó khăn, phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần cơ cấu lại ngành hàng để tìm chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm XK trong thời gian tới.

Các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp nuôi trồng và XK cần ứng dụng nhiều hơn nữa công nghệ hiện đại, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng, tăng tỷ trọng chế biến sâu và xây dựng thương hiệu, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật thông qua sử dụng rộng rãi công nghệ số, mã vạch giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Cùng với khai thác hiệu quả các kênh phân phối, tiêu dùng thủy sản trong nước, việc kết nối chặt chẽ giữa các mắt xích trong các chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản chủ lực, từ đầu vào đến đầu ra, từ vùng nuôi đến các ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ hậu cần logistics, điều phối XK… sẽ khai thác tối đa dư địa tăng trưởng XK thủy sản.

Thanh Thảo