“Giờ chỉ mong có khách, giảm hơn tôi cũng bán”



Liên tiếp thời gian gần đây xuất hiện dày đặc thông tin bán BĐS giảm giá tới 50% như nhà vườn, đất nền, liền kề, biệt thự… Nhiều nhà đầu tư trót “ôm” cho hay “chỉ mong có khách mua, giảm hơn tôi cũng bán”.



Loạt thông tin rao bán giảm giá tới 50%

Theo khảo sát, thị trường BĐS tính đến thời điểm hiện tại nhiều nhà đầu tư vẫn chưa thoát khỏi áp lực lãi suất tăng cao, dòng tiền đầu tư sụt giảm… Thanh khoản khó khăn, nhiều nhà đầu tư cá nhân chọn bán tháo tài sản nhằm giảm gánh nặng nợ lãi ngân hàng và cơ cấu lại dòng vốn.


Xuất hiện loạt thông tin BĐS giảm giá 50%: “Giờ chỉ mong có khách, giảm hơn tôi cũng bán” - 1

Nhiều NĐT cá nhân chọn bán tháo tài sản nhằm giảm gánh nặng nợ lãi ngân hàng và cơ cấu lại dòng vốn

Trên nhiều trang rao bán nhà đất, hội nhóm BĐS từ mạng xã hội hay những group môi giới địa ốc, liên tục xuất hiện các thông tin rao bán gấp BĐS với giá thấp. Trong số đó, các loại hình BĐS như: nhà vườn, đất nền, liền kề, biệt thự… xuất hiện dày đặc thông tin bán giảm giá tới 50%.

Chị Phạm Thu Trang (Tp. HCM) chia sẻ, tháng 3/2022 chị được môi giới chào mời mua một lô đất tại Trảng Bom – Đồng Nai với mức giá 3,5 tỷ đồng, kèm theo đó là lời hứa lời 20-30% ngay sau khi sang tên từ các môi giới. Để có đủ tiền mua mảnh đất này, chị đã vét sạch tiền tiết kiệm của gia đình và vay thêm ngân hàng 1,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay sau hơn một năm với áp lực trả lãi hàng tháng, buộc chị phải bán miếng đất với giá 2,8 tỷ đồng, lỗ đến 700 triệu đồng chưa kể khoản lãi ngân hàng bấy lâu: “Cứ mở mắt, mỗi ngày nghĩ đến khoản lãi phải trả mà tôi thấy mệt muốn ốm. Tôi quyết định bán lỗ, coi như học phí đầu tư”– chị Thu Trang chua xót thừa nhận.

Cũng thua lỗ từ khoản đầu tư BĐS, anh Nguyễn Thanh Huy – nhà đầu tư khác tại Hà Nội cho biết, hơn một năm trước anh vay 4 tỷ đồng để đầu tư 2 lô đất tại dự án ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) với tổng số tiền 7 tỷ đồng. Song, quyết định này khiến anh đã phải trả giá đắt khi giá đất thời gian qua liên tục lao dốc, áp lực trả lãi ngân hàng khiến anh chấp nhận cắt lỗ khoản đầu tư của mình với mức giá chỉ còn 3,5 tỷ đồng. “Hơn 2 tháng nay tôi rao bán cắt lỗ 50% tại các hội nhóm đầu tư BĐS, nhưng đến nay vẫn chưa ra được hàng” – anh Huy thông tin.

Xuất hiện loạt thông tin BĐS giảm giá 50%: “Giờ chỉ mong có khách, giảm hơn tôi cũng bán” - 2

Nhiều BĐS được rao bán giảm giá tới 50%

Theo chia sẻ của anh Huy, một số người muốn mua nhưng thấy lãi suất cao không vay, người thì vay không được, một số khác có tiền thì tiếp tục ngồi chờ “bắt đáy” nên thanh khoản không có. Với vòng luẩn quẩn này, những lô đất tương tự tiếp tục rơi tự do trong thời gian tới là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Với chị Hòa – một nhà đầu tư khác tại Hà Nội thì mong mỏi: “bán được nửa giá thậm chí hơn tôi cũng bán…”. Được biết, hiện chị Hòa đang cố gắng rao bán mảnh đất vườn gần 3.000m2 tại Định Quán, (Đồng Nai) nhưng chưa có ai hỏi mua.

Còn nhớ, vào thời điểm giữa năm 2021, đất vườn tại Định Quán, Long Thành (Đồng Nai) từng được giao dịch, mua bán sôi nổi. Thị trường xuất hiện tình trạng tranh giành nhau xuống cọc. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư ôm cùng lúc 4-6 nền với mức giá từ 300-500 triệu đồng mỗi nền. Sau đó bán qua tay lời hàng trăm đến hàng tỉ đồng trong khoảng thời gian ngắn.

Khẳng định việc cắt lỗ 50% vẫn không ra được hàng là chuyện bình thường của thị trường lúc này, anh Tùng – (môi giới BĐS hơn 10 năm kinh nghiệm) lý giải, khi dòng tiền không còn dễ dãi, thì nó sẽ không dễ chảy vào các phân khúc rủi ro, không tiềm năng. Điều này đồng nghĩa, đà giảm giá của nhóm BĐS đầu cơ sẽ còn tiếp diễn…

Giao dịch giảm mạnh tới 80%

Không chỉ với hàng loạt thông tin đất nhà vườn các tỉnh phía Nam giảm giá mạnh, mà thời gian gần đây, theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tại khu vực Trung du Miền núi Bắc bộ cũng xuất hiện hàng loạt nhà đầu tư bán cắt lỗ các sản phẩm là đất nền, biệt thự/liền kề/nhà phố, cao nhất lên tới 50% do áp lực tài chính khi sử dụng hết gói vay ưu đãi từ chủ đầu tư.

Xuất hiện loạt thông tin BĐS giảm giá 50%: “Giờ chỉ mong có khách, giảm hơn tôi cũng bán” - 3

Nhà vườn đẹp lung linh cũng được rao bán giảm giá “sập sàn”

Báo cáo thị trường bất động sản Trung du và Miền núi Bắc bộ quý I/2023 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, khu vực Trung du miền núi phía Bắc có 45 dự án mở bán, đều là các dự án mở bán từ trước, đưa ra thị trường khoảng 3,296 sản phẩm mới. Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ chỉ khoảng 8,2%, tương đương 251 giao dịch, giảm mạnh tới 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo đơn vị này, đất nền, biệt thự/liền kề/nhà phố là những phân khúc chiếm tỷ trọng nguồn cung mới lớn nhất trong khu vực, lần lượt là 43% và 50% tổng nguồn cung. Cụ thể, tại phân khúc đất nền, VARS cho biết, khu vực Trung du miền núi phía Bắc có 16 dự án mở bán, đưa ra thị trường khoảng 1.655 sản phẩm mới. Nguồn cung mới chủ yếu tập trung tại Hòa Bình, Lạng Sơn. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt khoảng 10,3%, tương đương 172 giao dịch.

VARS đánh giá, thị trường ảm đạm, số lượng giao dịch sụt giảm, đặc biệt các địa phương tiềm năng như Lào Cai, Thái Nguyên cũng gần như không ghi nhận giao dịch. Bên cạnh đó, khoảng 80% các sàn đang không hoạt động tại khu vực, 20% còn lại hoạt động cầm chừng hoặc đang trong tình trạng khó khăn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư bán cắt lỗ từ 10 – 30%, thậm chí lên đến 30 – 50% do áp lực tài chính khi sử dụng hết gói vay ưu đãi từ chủ đầu tư.

Có thể thấy, những biến động về kinh tế khiến nhiều người nhìn nhận lại việc xuống tiền với đất đai ở khu vực tỉnh. Ngay cả những người đang ôm đất tỉnh cũng rơi vào tình trạng lo lắng khi không xác định được thời gian phục hồi. Dòng tiền có thể sẽ bị chôn rất lâu vào các loại hình như đất vườn, đất nông nghiệp.

“Khá nhiều nhà đầu tư từng dự tính lướt sóng kiếm lời từ phân khúc này trong vòng vài tháng tới 1-2 năm, giờ như “ngồi trên đống lửa” vì giá giảm sâu và bán không được” – một nhà đầu tư lâu năm thông tin.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/xuat-hien-loat-thong-tin-b-s-giam-gia-50-gio-chi-mong-co-khach-giam-h…

Mất tiền triệu trước loạt chiêu trò của thợ sửa điều hòa “bịp”

Trời nắng nóng, nhu cầu sửa chữa, bảo trì máy lạnh gia tăng đột biến. Đây cũng là lúc các thợ sửa chữa máy lạnh “không có tâm” tìm cách “móc túi” khách hàng.


Theo Quỳnh Chi (nguoiduatin.vn)