Trên đây là chia sẻ của GS. TS Nguyễn Công Khanh, nguyên Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Khảo thí, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tại tọa đàm “Giảng viên nghiên cứu khoa học năm 2023” được tổ chức cuối tuần vừa qua.
Nghiên cứu sinh tại phòng thí nghiệm của một trường đại học tại Hà Nội (Ảnh: M.Hà).
Sống tốt với nghiên cứu khoa học
Tại đây, GS.TS Nguyễn Công Khanh cho hay, lâu nay nhiều giảng viên ngại và ít đam mê với nghiên cứu khoa học nhưng ông khẳng định, đây là lĩnh vực có thể sống tốt.
“Kinh nghiệm từ bản thân tôi thấy, 40 năm nghiên cứu khoa học, cuộc sống của tôi không hề khó khăn.
Chưa bao giờ tôi quan tâm đến lương, thậm chí tôi không biết lương mình mấy phẩy. Bởi lẽ tôi toàn làm nghiên cứu khoa học, làm “lính đánh thuê” Đông – Tây – Nam – Bắc, có khi chỉ 3 ngày “đánh thuê”, thu nhập bằng cả tháng lương.
Sau này tôi có đủ nhà lầu xe hơi. Nói điều đó có nghĩa chúng ta phải biết cách làm nghiên cứu khoa học.
Ban đầu có thể chúng ta có thể làm miễn phí và kiếm tiền rất khó khăn vì chưa có danh nhưng sau khi khẳng định được danh tiếng, việc kiếm sống của người nghiên cứu khoa học rất đơn giản”, thầy Khanh cởi mở.
GS. TS Nguyễn Công Khanh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (Ảnh: A.T).
Cũng theo thầy Khanh: “Điểm yếu của nhà khoa học nói chung ở Việt Nam và của giảng viên nghiên cứu khoa học nói riêng hiện nay là chưa biết làm việc nhóm.
Tri thức càng chia sẻ thì càng lớn lên, càng tăng nội lực. Nếu chỉ lủi thủi một mình nghiên cứu khoa học, ắt hẳn người đó sẽ mất hết động lực sau vài ba lần bị… trả lại bài.
Nếu lùi lại, tự bằng lòng với mình, cộng với mối lo cơm áo gạo tiền các giảng viên đó thường mài mòn dần nhiệm vụ nghiên cứu khoa học”.
Chuyên gia này cho rằng, bấy lâu nay nhà khoa học chỉ nhìn thấy những điểm số và những cái vỗ tay. Họ chưa thấy giá trị đúng nghĩa của người làm khoa học, giống kiểu người làm từ thiện chưa thực sự biết hết ý nghĩa của làm việc thiện.
Vậy nên một khi nhà trường cho người đó một bệ phóng, cho nguồn lực mà không biết khai thác, chỉ mày mò với nỗ lực bằng cá nhân, chắc hẳn người đó sẽ cô đơn trong nghiên cứu.
Điều này sẽ khiến cả hai bên đều thiệt thòi, cá nhân nhà nghiên cứu không biết tiềm năng đến đâu, danh tiếng nhà trường cũng không được nâng cao.
Do vậy lời khuyên mà chuyên gia này đưa ra với người nghiên cứu khoa học trong nước là, muốn thành công, hãy học tập quốc tế và các nước phát triển, làm gì cũng phải có động lực và có “team work”.
Được biết GS.TS Khanh có gần 40 năm công tác, đã hoàn thành 15 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp đại học Quốc gia, cấp Bộ, cấp Bộ trọng điểm và cấp Nhà nước.
Thành tích NCKH của ông thể hiện qua các cuốn sách chuyên khảo, giáo trình, tham khảo, hướng dẫn, bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành uy tín trong nước và quốc tế…
TS Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội (Ảnh: A. T).
Thành công đòi hỏi từ… liêm chính
Theo TS Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, nghiên cứu khoa học là hoạt động quan trọng và cốt lõi trong các trường đại học.
Việc tạo điều kiện và khuyến khích giảng viên và cán bộ nghiên cứu khoa học là một trong những công việc được trường này ưu tiên hàng đầu.
Thời gian qua, số lượng các đề tài NCKH cấp trường của Đại học Hà Nội tăng đều. “Mong các thầy cô đam mê, khát khao nghiên cứu khoa học, phía nhà trường sẽ luôn đồng hành cùng thầy cô trên chặng đường này”, TS Lương Ngọc Minh khẳng định.
TS Vũ Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường- Bộ GD&ĐT cho rằng, thời gian qua, việc nghiên cứu khoa học ở các trường đại học có bước phát triển quan trọng.
Các trường đã quan tâm đến hoạt động khoa học công nghệ, xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích các giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học.
Ngoài các đề tài Bộ GD&ĐT giao, các trường mạnh dạn đăng ký các đề tài cấp quốc gia, phối hợp các doanh nghiệp để triển khai các đề tài khoa học công nghệ hoặc hỗ trợ các tỉnh nghiên cứu khoa học để hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Nổi bật nhất là công bố quốc tế của các trường đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT. Trong 5 năm qua, tăng trưởng công bố quốc tế của các trường đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT tăng 25%.
TS Trần Vũ Hải – Phó trưởng phòng Phòng Quản lý khoa học và trị sự Tạp chí (Trường ĐH Luật Hà Nội (Ảnh: A.T).
Chia sẻ với PV Dân trí về việc, nhiều trường đại học có tiềm lực nhưng hoạt động nghiên cứu khoa học chưa nhiều, giảng viên không mấy mặn mà với công tác nghiên cứu, TS Vũ Thanh Bình cho rằng, việc nghiên cứu khoa học hiện đã phân ra theo các tốp trường. Có thể thấy lý do khiến giảng viên chưa mặn mà với nghiên cứu khoa học do chưa có quan tâm của lãnh đạo trường; năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên hạn chế.
TS Trần Vũ Hải – Phó trưởng phòng Phòng Quản lý khoa học và trị sự Tạp chí Trường ĐH Luật Hà Nội chỉ rõ, tỷ lệ giảng viên nghiên cứu khoa học ở trường này ở mức cao bởi cơ sở đào tạo có nhiều ưu đãi để khuyến khích hoạt động đó.