Hai tháng đầu năm phân khúc đất nền phía Nam tiếp tục đối diện với áp lực thanh khoản khi lượng giao dịch phát sinh khiêm tốn, xu hướng giảm kéo dài từ thời điểm giữa năm 2022 và chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.
Báo cáo mới công bố của DKRA Việt Nam cho biết, thị trường đất nền TP.HCM và vùng phụ cận chỉ ghi nhận 4 dự án chào bán trong hai tháng đầu năm, trong đó có 02 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo và 02 dự án mở bán mới với nguồn cung 117 nền, giảm 92% so với cùng kỳ năm trước.
Lượng giao dịch phát sinh khiêm tốn khi chỉ có 16 nền đất giao dịch thành công trong 2 tháng đầu năm. Ảnh minh họa
Không chỉ nguồn cung, lượng tiêu thụ cũng giảm đến 98% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung và lượng tiêu thụ mới 2 tháng đầu năm 2023 tập trung chủ yếu tại Đồng Nai và Long An, những tỉnh thành còn lại không ghi nhận nguồn cung mới.
Sức cầu chung của thị trường giảm mạnh, lượng giao dịch phát sinh khiêm tốn khi chỉ có 16 nền đất giao dịch thành công, xu hướng giảm thanh khoản kéo dài từ giữa năm 2022 đến nay và chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.
Mặt bằng giá thứ cấp trong hai tháng đầu năm giảm 10-23% so với thời điểm cuối năm 2022, mức giảm phổ biến 100-690 triệu đồng/nền, thậm chí có nơi lên đến 1 tỷ đồng/nền”, báo cáo của DKRA nêu rõ.
Những trường hợp giảm giá sâu tập trung chủ yếu ở nhóm các nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy tài chính, đặc biệt có sử dụng chương trình ưu đãi lãi suất, ân hạn nợ gốc giai đoạn 2018-2022 của các chủ đầu tư.
Đơn vị này dự báo, trước tình hình lãi suất ở mức cao, các vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ triệt để, khó khăn trong việc thu xếp dòng vốn, thanh khoản thị trường khó có thể chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, đất nền ở những vùng phát triển quá mức, giá đã tăng quá mạnh do đó sẽ tiếp tục giảm để điều chỉnh về mức phù hợp. Ngược lại, những vùng chưa có nhiều dự án, sẽ có khả năng tăng giá.