Quý I, đất nền dự án các tỉnh kế cận TP HCM hầu như không bán được hàng, thị trường trầm lắng kéo dài và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo ghi nhận của VnExpress, thanh khoản đất nền trên cả thị trường sơ cấp (chủ đầu tư chào bán lần đầu) lẫn thứ cấp (nhà đầu tư mua đi bán lại) đều kém trong quý đầu năm. Lãnh đạo doanh nghiệp chuyên bán đất nền dự án tại Bình Dương cho hay, quý I công ty chỉ bán được một vài sản phẩm mới trong rổ hàng sơ cấp, còn lại là nền đất khách hàng ký gửi bán thứ cấp nhưng khá ế ẩm.
Thanh khoản đất nền dự án của doanh nghiệp suốt 3 tháng qua giảm 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân ế ẩm là thị trường đã “đứt” hẳn luồng khách đầu tư, đầu cơ, trong khi nhu cầu thật đất nền rất thấp do loại tài sản này không phục vụ nhu cầu ở ngay.
Cùng cảnh ngộ, trưởng bộ phận kinh doanh một doanh nghiệp chuyên đất nền tại Long An, giáp ranh TP HCM, chia sẻ trừ tháng 1 vướng kỳ nghỉ Tết, trong tháng 2 và 3, lượng hàng bán được gần như bằng không. Khách dạo xem dự án giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái và không ai xuống tiền mua. Lượng giao dịch đất nền quý I trên hệ thống của doanh nghiệp này xuống mức thấp nhất trong vòng nửa thập niên qua.
Trên thị trường thứ cấp, nhà đầu tư thừa nhận 8 tháng qua đã nỗ lực giảm giá để thoát hàng nhưng chưa bán được. Anh Nguyên, một nhà đầu tư đất nền gần Tân An, Long An, có sử dụng đòn bẩy tài chính, cho hay đã chào bán nền đất dự án suốt từ giữa năm 2022 đến quý I nhưng không có khách mua.
Đến cuối tháng 3 anh giảm giá nền đất từ 1,8 tỷ đồng xuống còn 1,4 tỷ đồng, song vẫn chưa bán được. Anh Nguyên thừa nhận, trong quý II sẽ phải giảm giá thêm cho khách mua thiện chí khi bước vào vòng thương lượng vì cần dòng tiền để xử lý tài chính cá nhân, không thể theo tiếp suất đầu tư nữa.
Thị trường đất nền đoạn qua cao tốc TP HCM – Trung Lương, từ Bình Chánh đổ về Long An, Tiền Giang. Ảnh: Quỳnh Trần
Còn anh Đoàn, môi giới chuyên thị trường Đồng Nai thừa nhận đất nền dự án ế ẩm, 3 tháng đầu năm không bán được sản phẩm nào, đến giữa tháng 4 anh Đoàn mới bắt đầu có giao dịch đầu tiên trong năm 2023. Trong khi đó, quý I năm 2022, anh vẫn có thể bán được 7-10 sản phẩm đất nền trong một tháng, bao gồm cả đất dự án và đất lẻ, dù khi đó giá đất tăng vẫn có khách xuống tiền.
Để cải thiện thanh khoản, sang tháng 4, Đoàn chuyển sang chào bán đất nền lẻ trong dân, đã có sổ đỏ, có thể công chứng ngay, giá khoảng 1 tỷ đồng một nền.
Báo cáo thị trường đất nền TP HCM và vùng phụ cận của DKRA Group cho biết, trong quý I đất nền dự án các tỉnh phía Nam (TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An) thanh khoản giảm 94% so với cùng kỳ năm ngoái. Sức cầu chung của thị trường đất nền xuống mức cực thấp, chỉ bằng 6% so với cùng kỳ.
Rổ hàng đất nền dự án mới chào bán trong quý ít biến động về giá, trong cùng một dự án nền đất tung ra tăng giá trên dưới 5% so với cùng kỳ nhưng có kèm theo nhiều chiết khấu, khuyến mãi để kích cầu (như một hình thức giảm giá gián tiếp). Riêng thị trường thứ cấp, đất nền giao dịch trầm lắng, giá chào bán ghi nhận mức giảm trung bình 10% so với cùng kỳ năm ngoái, cá biệt có nhiều nhà đầu tư ngộp tài chính sẵn sàng giảm giá 15-20%.
Dữ liệu của Batdongsan cũng cho thấy, trong quý I mức độ quan tâm bất động sản tại TP HCM và Bình Phước, Long An, Đồng Nai đều sụt giảm. Riêng tháng 2, lượt tìm kiếm đất nền TP HCM trên các chợ trực tuyến giảm 32-45% đối với đất lẻ và đất dự án. Đơn vị này nhìn nhận thị trường đất nền chưa có dấu hiệu hồi phục trong ngắn hạn.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc bộ phận R&D DKRA Group, đánh giá thanh khoản đất nền đang xuống thấp kỷ lục, có thể đã diễn ra nhiều cuộc mặc cả giảm giá giữa bên bán và bên mua nhưng đôi bên chưa tìm tiếng nói chung. Đặc thù của phân khúc đất nền là đối tượng mua để đầu tư, tích lũy tài sản chứ không nhắm đến mục đích sử dụng ngay. Vì vậy đất nền thuộc nhóm bất động sản không được ưu tiên trong giai đoạn thị trường đóng băng như hiện nay.
Ông Thắng dự báo, với tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, lãi suất vay vẫn neo ở mức cao, những vướng mắc pháp lý còn phải xếp hàng chờ đến lượt được tháo gỡ, giới đầu tư ngủ đông, thị trường đất nền nhiều khả năng sẽ khó có những đột biến trong ngắn hạn.
Vũ Lê