Đây là việc làm cần thiết, nhưng trong bối cảnh hiện nay chỉ kêu gọi thôi thì không đủ.
Giải bài toán thất nghiệp, với tất cả các quốc gia trên thế giới, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nhìn từ góc độ đó, chúng ta thực tế cũng có nhiều dư địa để “hãm phanh” tình trạng sa thải hiện nay. Đó chính là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và tháo các điểm nghẽn trên thị trường cho cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động, triển khai dự án… từ đó nhu cầu tuyển dụng tất yếu tăng lên.
Số liệu cho thấy, tính đến hết tháng 5, hơn 1 triệu tỉ đồng tồn dư ngân quỹ nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng, mà nói như đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị): “Đây cũng chính là cục máu đông gây tắc nghẽn dòng vốn. Tiền thuế, phí của doanh nghiệp và người dân nộp về Kho bạc Nhà nước nằm “đắp chiếu” không quay trở lại được nền kinh tế do sự tắc nghẽn ở kênh giải ngân đầu tư công”.
Đặt trường hợp nếu số tiền khổng lồ này chảy vào các dự án, công trình trọng điểm quốc gia thì biết bao nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng sẽ sáng đèn trở lại? Biết bao công trường sẽ thoát nạn “treo cẩu” nằm chờ? Tạo ra biết bao nhu cầu về vận chuyển, tiêu dùng, kích thích tổng cầu – tổng cung trong nền kinh tế…, từ đó giải quyết hàng vạn, hàng triệu lao động cho đất nước.
Tương tự, TP.HCM đang có hơn trăm dự án bất động sản bị vướng mắc không thể triển khai. Nếu số lượng dự án này và rất nhiều dự án bị đình đốn nhưng chưa được liệt kê trong số này được tháo gỡ thủ tục pháp lý; được tháo gỡ vốn; cơ chế để đi vào triển khai thi công thì nhu cầu tuyển dụng của các chủ đầu tư trên thị trường cũng gánh bớt một số đáng kể lực lượng thất nghiệp đang gia tăng kia. Và nếu việc này được nhân lên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, lan tỏa ra toàn quốc thì có lẽ, thay vì lo lắng tạo công ăn việc làm cho người lao động, chúng ta còn phải tìm cách cạnh tranh tuyển dụng mới đúng.
Nhìn ở góc độ đó, dư địa để giảm tỷ lệ thất nghiệp của TP.HCM nói riêng và trên cả nước nói chung rất lớn. Chúng ta đều thấy, lĩnh vực sa thải lao động nhiều nhất hiện nay chính là các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, da giày, đồ gỗ… do đơn hàng bị cắt giảm từ Mỹ, EU. Cộng với các ngành trong nước cũng bị chững lại, thậm chí bị đóng băng như bất động sản, xây dựng, những lĩnh vực chưa thể phục hồi đúng với tiềm năng như du lịch, dịch vụ, thương mại… nên không san sẻ được gánh nặng lao động cho nhau.
Vì thế, nếu ta nới visa cho du lịch, rã băng bất động sản, đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ cho các dự án đang tắc nghẽn…, đều là những việc nằm trong khả năng của chúng ta mà không phụ thuộc vào bên ngoài, thì bài toán lao động tức khắc được cân bằng.
Chứ doanh nghiệp đang khó đều, kêu gọi tuyển dụng là không khả thi. Vì vậy, đây là lúc cần đến vai trò của chính quyền các địa phương, của các bộ, ngành, của Chính phủ trong đốc thúc, xử lý các đầu việc đã lên kế hoạch từ trước nhưng chưa hiệu quả.
Kinh tế phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp tự khắc giảm.