‘Giảm năm đóng bảo hiểm xã hội, công nhân nghỉ việc nhiều hơn’

TP HCMHạ năm đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm, nhiều công nhân làm 14 năm sẽ nghỉ việc để nhận trợ cấp một lần, theo Chủ tịch công đoàn Pou Yuen Việt Nam.

Ý kiến được ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân) đưa ra tại hội nghị góp ý về dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội do Liên đoàn lao động TP HCM tổ chức chiều 21/3.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam tại hội nghị chiều 21/3. Ảnh: Lê Tuyết

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam tại hội nghị chiều 21/3. Ảnh: Lê Tuyết

Trong dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội làm điều kiện hưởng lương hưu từ 20 xuống 15. Mục tiêu để nhiều người tiếp cận được với lương hưu, mở rộng lưới an sinh, hạn chế người người nhận trợ cấp một lần. Tuy nhiên, Chủ tịch công đoàn doanh nghiệp đông lao động nhất TP HCM nói rằng điều này dễ gây tác dụng ngược.

“Công nhân không có tích lũy nên muốn nhận một cục. Việc giảm năm đóng không thể ngăn họ được”, ông Nghiệp nói. Hiện có nhiều công nhân đóng bảo hiểm gần 20 năm, họ xin nghỉ việc để chờ rút bảo hiểm. Pháp luật không hạn chế rút một lần thì khi giảm năm đóng xuống 15 năm, công nhân làm 14 năm sẽ nghỉ. Việc này gây xáo trộn lớn trong lực lượng lao động tại doanh nghiệp khi chu kỳ nghỉ sẽ ngắn lại.

Theo ông Nghiệp để giữ công nhân, công đoàn nhiều lần tuyên truyền lợi hại của việc rút bảo hiểm. Những người làm 19-20 năm, lương cơ bản đã hơn 10 triệu đồng. Khi nghỉ việc, một năm sau mới rút được bảo hiểm với số tiền tầm 130-140 triệu đồng. Trong khi ở lại làm việc, chỉ cần làm một năm và thưởng Tết thu nhập đã nhiều hơn. Chưa kể, với lao động phổ thông, không trình độ, tìm được việc làm mới với lương cứng 10 triệu đồng mỗi tháng là rất khó.

Công nhân Pou Yuen tan ca hồi tháng 10/2021. Ảnh: Thành Nguyễn

Công nhân Pou Yuen tan ca hồi tháng 10/2021. Ảnh: Thành Nguyễn

“Có lương hưu vẫn tốt hơn. Sau này già không phải phụ thuộc ai, không cần nhìn mặt con cái để sống”, ông Nghiệp nêu quan điểm. Tuy nhiên, dù tuyên truyền nhiều, không ít công nhân vẫn nghỉ và số lượng này Pou Yuen mỗi tháng tầm 500-600 người, chiếm 1-1,2% tổng số lao động.

Ở quan điểm ngược lại, ông Phạm Văn Hiền, Phó chủ tịch công đoàn các Khu công nghiệp, chế xuất TP HCM, đồng tình với việc hạ năm đóng bảo hiểm xã hội để nhiều người được tiếp cận lương hưu. Tuy nhiên, chính sách hưu trí cần tính toán để thu hút người lao động ở lại với lưới an sinh, giảm năm đóng là chưa đủ.

Qua nắm bắt tình hình lao động trong khu, nhiều lao động 40-50 tuổi vì nhiều lý do phải kết thúc quan hệ lao động, không còn làm việc nữa. Việc đầu tiên họ nghĩ đến khi mất việc là đi rút bảo hiểm. Người lao động tính toán với số năm đóng ít lương hưu nhận được không đáng bao nhiêu nên rút ngay để bớt mất giá.

Công thức tính của lương hưu là cả quá trình đóng nhưng vài chục năm trước tiền lương của người lao động chỉ vài trăm nghìn đồng nên mức hưởng không cao. Theo ông Hiền, để cải thiện lương hưu chính sách bù trượt giá cần thay đổi, nhóm lương cao chia sẻ cho nhóm thấp hoặc mức hưởng dựa vào bình quân các năm cuối.

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM tại hội nghị. Ảnh: Lê Tuyết

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM tại hội nghị. Ảnh: Lê Tuyết

Ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM, nói rằng lương hưu trong tương lai phụ thuộc vào mức lương căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hiện tại. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở có một số phụ cấp không phải đóng nên lách.

“Có trường hợp đóng bảo hiểm 5 triệu đồng nhưng phụ cấp đến 40 triệu đồng sau này không thể đòi hỏi lương hưu cao được”, ông Tâm nói. Tỷ lệ đóng vào các quỹ bảo hiểm xã hội hiện nay hơn 30%, nhìn thì cao nhưng doanh nghiệp tách lương làm nhiều khoản, mức lương làm căn cứ đóng quá thấp sau này lương hưu không thể khá. Do đó, cần phải “bịt” lỗ hổng này để đảm bảo người lao động được tham gia bảo hiểm xã hội với mức phù hợp, khi về già lương hưu đủ sống.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội được lấy ý kiến đến tháng 4, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.

Lê Tuyết