(Dân sinh) – Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) là một thành phần quan trọng của hệ thống BHXH ở nước ta, do người sử dụng lao động (NSDLĐ) bắt buộc phải đóng cho người lao động (NLĐ), nhằm bảo đảm hơn đời sống của NLĐ khi gặp rủi ro TNLĐ, BNN.
Một hoàn cảnh vừa xảy ra, công nhân Lê Thị Hồng công ty chế biến thức ăn gia súc ( Đồng Nai ) bị TNLĐ làm biến dạng bàn tay, tỷ lệ thương tật, mất sức lao động 36%. Cuộc sống gia đình chị vốn đã rất khó khăn. Từ khi chị bị TNLĐ, gánh nặng lại dồn lên vai người chông với đồng lương ít ỏi 7 triệu đồng/tháng. May là, nhờ công đoàn và công ty hỗ trợ, chị được nhận rất nhiều giúp đỡ từ chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN, từ chi phí khám, chữa bệnh và điều trị, được bố trí công việc khác phù hợp với sức khỏe mà không phải mất việc làm…
Chế độ TNLĐ-BNN nhằm góp phần ổn định đời sống cho người lao động khi không mai họ gặp TNLĐ-BNN (ảnh: minh họa).
Có gia cảnh éo le như chị Hồng là và công nhân Nguyễn Thị Kim Cúc (huyện Cai Lậy, Tiền Giang), bị TNLĐ trong khi làm việc tại công ty may An Phú. Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ thương tật của chị là 43%. Hiện gia đình chị có 3 nhân khẩu, chồng chị mang bệnh hiểm nghèo, không lao động được và còn tốn tiền thuốc thang, điều trị. Mọi chi phí sinh hoạt đều phụ thuộc vào tiền lương của chị nên cuộc sống rất vất vả. Khi chứng kiến gia cảnh của công nhân bị TNLĐ, CĐCS và BHXH đã tích cực phối hợp với chuyên môn nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để giúp chị Cúc sớm được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN. Với số tiền trợ cấp TNLĐ hằng tháng cùng các hỗ trợ khác, chị bớt phần lo lắng khi rơi vào cảnh khó khăn.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp rất ngại, thậm chí trốn khám phát hiện BNN cho NLĐ vì tốn kém so với khám sức khỏe bình thường. Khi phát hiện ra BNN, doanh nghiệp lại phải mất rất nhiều chi phí chữa bệnh cho NLĐ và phải cải thiện điều kiện lao động, môi trường lao động. Chính vì thế, quy định hỗ trợ khám, chữa BNN là giúp doanh nghiệp giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo được quyền lợi, chế độ cho NLĐ.
Ông Võ Khánh Bình – Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang cho biết, thời gian qua, BHXH tỉnh Tiền Giang đã kịp thời giải quyết các chế độ BHXH cho người thụ hưởng theo đúng theo quy định của pháp luật, trong đó có chế độ TNLĐ-BNN nhằm góp phần ổn định đời sống cho người lao động khi không mai họ gặp TNLĐ-BNN. Cụ thể, trong năm 2022 BHXH tỉnh Tiền Giang đã giải quyết 97 trường hợp TNLĐ với số tiền 3.593.083.000 đồng; trợ cấp chết do TNLĐ 11 trường hợp với số tiền 590.040.000 đồng. Còn trong quý 01/2023 đã giải quyết 31 trường hợp TNLĐ với số tiền 1.350.765.000 đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng trao quà cho công nhân bị bệnh hiểm nghèo và tai nạn lao động.
Theo ông Khánh Bình, Bảo hiểm TNLĐ – BNN là một trong những chính sách của hệ thống an sinh xã hội của nước ta, do người sử dụng lao động bắt buộc phải đóng cho người lao động (mức đóng 0,5% mức lương tham gia BHXH hàng tháng). Luật An toàn Vệ sinh Lao động (ATVSLĐ) số 84/2015/QH13 ngày 25/6/2015 của Quốc Hội quy định điều kiện hưởng và mức hưởng trợ cấp TNLĐ đối với người lao động bị TNLĐ do Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN (thuộc Quỹ BHXH) chi trả tùy thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động nhằm đảm bảo hơn đời sống của người lao động khi gặp các rủi ro TNLĐ-BNN. Vì vậy, để tổ chức, thực hiện tốt việc giải quyết chế độ TNLĐ-BNN cho người lao động được thuận lợi, cần thực hiện một số nội dung như:
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, về BHXH (trong đó có bảo hiểm TNLĐ-BNN) phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề thông qua các hội nghị tuyên truyền, các cuộc thi, các cuộc đối thoại với đơn vị sử dụng lao động, với công nhân lao động… Đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra công tác điều tra TNLĐ của đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở và cấp tỉnh để xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người lao động, đồng thời hạn chế các hành vi gian lận trong công tác điều tra TNLĐ, hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN;
Cần có sự kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu về lao động, việc làm với các sở, ngành liên quan (đặc biệt là Sở LĐ-TB&XH); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết, chi trả trợ cấp hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro cho đơn vị sử dụng lao động được thuận lợi, nhanh chóng.
Tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra liên ngành (phối hợp Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn lao động), chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN hạn chế tình trạng đơn vị sử dụng lao động chậm đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN làm ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ BHXH trong đó có chế độ TNLĐ-BNN của người lao động. Đề xuất biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc về công tác ATVSLĐ, trong đó có việc thực hiện tốt công tác giải quyết chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN cho người lao động.