Theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm tỉnh Bắc Giang, năm 2023 toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 32.500 lao động, trong đó đưa 1.650 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo nghề cho 29.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh đạt 76%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 03 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 33%. Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống còn 2,65%.
Giải pháp đồng bộ
Về công tác tuyên truyền, tỉnh sẽ chỉ đạo tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động; thường xuyên cung cấp thông tin thị trường lao động cho người sử dụng lao động và người lao động. Tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng và tư vấn về nghề nghiệp, chính sách đào tạo nghề và việc làm sau đào tạo đối với lao động trên địa bàn.
Bắc Giang đặt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh đạt 76% trong năm 2023.
Chủ động, phối hợp với các Ban chỉ đạo có liên quan của tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư phát triển sản xuất, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế trọng điểm nhằm giải quyết được nhiều việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp, trong đó: Quan tâm chỉ đạo thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng tri thức cao; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín và tiềm lực tài chính để tạo sức lan tỏa trong thu hút đầu tư, đồng thời chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với từng ngành kinh tế; thu hút một số ngành, nghề có nhu cầu sử dụng nhiều lao động về khu vực nông thôn để giải quyết việc làm tại chỗ.
Chỉ đạo lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, chính sách giảm nghèo, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, xây dựng nông thôn mới để tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Chỉ đạo thực hiện tốt chính sách việc làm thông qua các dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn cấp xã theo quy định của Luật Việc làm.
Bắc Giang sẽ chỉ đạo thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường lao động theo quy định của Luật Việc làm. Chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác điều tra, thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động, phân tích, dự báo thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động; Đôn đốc UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã thường xuyên phổ biến cho người lao động về nhu cầu tuyển lao động của doanh nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn; định kỳ hàng quý tổng hợp nhu cầu học nghề, tìm việc làm của người lao động trên địa bàn và gửi cho Trung tâm dịch vụ việc làm để phối hợp triển khai các hoạt động kết nối cung – cầu.
Chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang thực hiện có hiệu quả hoạt động thu thập, phân tích và tổng hợp thông tin về nhu cầu tuyển lao động trong và ngoài nước; định kỳ hàng quý cung cấp thông tin thị trường lao động cho chính quyền cấp xã và các cơ sở dạy nghề; định kỳ hằng tuần tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại trụ sở Trung tâm và tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương để thực hiện gắn kết cung cầu lao động trong nước và ngoài nước. Triển khai thực hiện đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm theo các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Định hướng, chọn lựa các thị trường lao động có uy tín, thu nhập cao, ổn định, ưu tiên tuyển chọn lao động có trình độ, chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài; các chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do các đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trực tiếp triển khai thực hiện để cung cấp thông tin cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để triển khai có hiệu quả các chương trình hợp tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài như: Chương trình đi làm việc tại Hàn Quốc (chương trình EPS), đưa lao động đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (chương trình IM JAPAN), đưa lao động đi học tập và làm việc trong ngành điều dưỡng tại CHLB Đức. Tiếp tục cải tiến các thủ tục cho vay vốn nhanh chóng, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động khi đã có hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài.
Tổ chức thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đối với lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Triển khai thực hiện đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm thông qua việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030; Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; mở rộng ngành nghề, quy mô đào tạo; bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp; tăng cường đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng cho người lao động, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong tỉnh, trong nước và nước ngoài, nhất là các thị trường có thu nhập cao.
Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các dự án giải quyết việc làm, chính sách tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, tạo việc làm. Triển khai việc cho vay vốn hỗ trợ việc làm theo hướng tập trung, có hiệu quả, vững chắc; khắc phục tình trạng chia bình quân, dàn trải; ưu tiên đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để thu hút lao động tại chỗ vào làm việc.
Đồng thời tỉnh cũng tăng cường và nâng cao chất lượng, năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động việc làm. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về lao động việc làm trên địa bàn.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ và lưu động tại các địa phương để thực hiện gắn kết cung cầu lao động.
Đòn bẩy giải quyết việc làm
Ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang cho biết, thực hiện Kế hoạch, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng dự thảo, trình UBND tỉnh ban hành “Quyết định ban hành danh mục nghề và mức hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” và tổ chức triển khai, thực hiện; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ và giải pháp phát triển bền vững thị trường lao động, xây dựng đồng bộ hệ thống thông tin thị trường lao động; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh bảo đảm các điều kiện và tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
Triển khai hỗ trợ kịp thời chế độ chính sách cho người lao động bị mất việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh phải cắt giảm lao động. Tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là lao động đến từ vùng dịch hoặc di chuyển qua vùng dịch; có phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài.