Chuyên gia cho rằng nên trích Quỹ Bảo hiểm xã hội, quỹ ngắn hạn hoặc ngân sách đóng bù số năm lao động bị nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) để được hưởng quyền lợi.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giải quyết chế độ cho gần 213.400 lao động bị “treo” quyền lợi với số nợ hơn 4.000 tỷ đồng BHXH khó thu hồi của các doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn, tính lũy kế đến hết năm 2022.
Trong đó, các chế độ hưu trí, ốm đau, thai sản của lao động đều tính trên thời gian thực đóng, không tính thời gian bị nợ BHXH. Nếu sau này nợ được doanh nghiệp đóng bù hoặc nguồn tài chính khác bổ sung thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ cộng thêm thời gian bị nợ để tính lại mức hưởng. Riêng lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà đóng bảo hiểm dưới 20 năm, trong đó có 10 năm thực đóng trở lên (không tính thời gian bị nợ BHXH) nếu có nguyện vọng thì đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life), đánh giá đề xuất chưa hợp lý khi không tính thời gian lao động bị nợ BHXH. Nếu đã đặc cách thì nên làm cho đến cùng, nghĩa là cộng đủ thời gian bị nợ để lao động được hưởng các chế độ. Bởi thực tế hàng tháng họ vẫn bị trừ 8% lương, việc chậm đóng, trốn đóng từ phía doanh nghiệp chứ không phải tại lao động.
“Lao động bỏ tiền đóng BHXH tự nguyện cho cả số năm bị nợ để hưởng lương hưu đồng nghĩa với việc mất tiền hai lần”, ông Lộc nói, thêm rằng phần lớn lao động trong doanh nghiệp giải thể, phá sản túng quẫn, có thể từ bỏ chế độ hưu trí nếu phải đóng tiền lần nữa. Quỹ Bảo hiểm xã hội nên đảm đương phần kinh phí này thay vì đẩy phần khó về phía lao động; giải quyết chế độ ốm đau, thai sản nên trích từ quỹ ngắn hạn còn kết dư lớn.
Chung quan điểm, nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng việc chờ đợi doanh nghiệp đã phá sản, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn sau này đóng bù khoản nợ bảo hiểm là không khả thi và cũng không nên yêu cầu lao động bỏ tiền túi đóng BHXH tự nguyện một lần cho cả số năm bị nợ. Nguồn kinh phí nên trích từ ngân sách hoặc các khoản đầu tư sinh lời từ Quỹ Bảo hiểm xã hội đóng bù trước để cộng đủ số năm bị nợ cho lao động.
Ông Huân cho rằng chờ sửa luật rất lâu nên cấp có thẩm quyền cần có cơ chế đặc biệt để sớm xử lý hơn 4.000 tỷ đồng nợ BHXH khó thu hồi. Năm 2009, Chính phủ ban hành Quyết định 30 hỗ trợ lao động mất việc trong doanh nghiệp khó khăn do suy giảm kinh tế chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng BHXH và trợ cấp mất việc thì được nhà nước cho vay để thanh toán. Với người mất việc tại công ty chủ bỏ trốn thì UBND tỉnh, thành ứng ngân sách trả cho lao động khoản tiền lương mà doanh nghiệp còn nợ. Tiền này được hoàn lại ngân sách khi việc xử lý tài sản doanh nghiệp thực hiện xong.
Song theo ông Huân, cơ chế đặc biệt chỉ nên áp dụng với doanh nghiệp không còn hoạt động, đã giải thể. Đơn vị khó khăn tạm thời có thể cho giãn đóng, chờ hồi phục. Những doanh nghiệp chây ì phải có biện pháp xử phạt mạnh như tính tới phong tỏa tài khoản. Khởi kiện được coi là công cụ thu hồi nợ, song thực tế chưa hiệu quả bởi sự chồng chéo về luật. Công đoàn nếu chờ được ủy quyền của toàn bộ lao động mới đứng ra khởi kiện thì mất thời gian.
“Cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng cần rút kinh nghiệm khi doanh nghiệp chậm đóng thì sớm thông báo cho người lao động biết qua hệ thống, các cấp công đoàn sớm vào cuộc”, ông Huân nói.
Lao động rút BHXH một lần tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức (TP HCM) cuối năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng
Theo các chuyên gia, cơ chế đặc thù chỉ giải quyết tình thế cấp bách, căn cơ là luật pháp cần đồng bộ để xử lý được hành vi chậm, trốn đóng BHXH. Tuy nhiên, việc này đang bế tắc.
Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết giai đoạn 2017-2018 các cơ quan từng xây dựng dự thảo nghị định quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền lợi lao động. Phương án là lấy tiền thanh lý tài sản của doanh nghiệp bị phá sản, chủ bỏ trốn để bù vào số nợ bảo hiểm; nếu không đủ thì chi trả thêm từ tiền lãi doanh nghiệp nộp do chậm đóng BHXH, hoặc giao địa phương ứng ngân sách giải quyết sau thanh lý tài sản. Song nghị định không thể ra đời vì vướng nhiều luật.
Ông Quảng cho hay thời điểm ấy, số bị “treo” sổ do công ty nợ bảo hiểm là 170.000 và đến nay đã lên gần 213.400 người. Nếu không đồng bộ luật pháp để xử lý hành vi trốn đóng BHXH, con số sẽ tiếp tục tăng. Lao động ngoài thiệt thòi hưởng chế độ còn khó có niềm tin vào hệ thống an sinh.
Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định tội danh chậm, trốn đóng BHXH, nhưng vì các dấu hiệu, yếu tố cấu thành tội chưa đủ, khó làm rõ thế nào là trốn đóng. Đây cũng là điểm nghẽn khiến chưa vụ nào bị xử lý hình sự dù cơ quan Bảo hiểm xã hội đã kiến nghị khởi tố 328 vụ từ năm 2018 đến 2022.
Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, gần một nửa vụ cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tới đây, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, các cơ quan chuyên môn cần làm rõ thế nào là cố tình trốn đóng cũng như trách nhiệm pháp nhân để xử lý dứt điểm tình trạng này.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc nhấn mạnh nợ bảo hiểm sẽ còn tiếp diễn nên ngoài sửa luật tăng tính răn đe cần phòng ngừa hơn là để cho việc đã rồi. Sau nhiều năm thu hút đầu tư, đã đến lúc cơ quan quản lý nghiên cứu về một quỹ dự phòng nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Ông dẫn chứng Quỹ Lao động Hàn Quốc được chính phủ nước này lập năm 1999 với các hoạt động hỗ trợ an sinh cho lao động, đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tài chính và hỗ trợ thực tập sinh nước ngoài. Nguồn vận hành quỹ đến từ đóng góp của doanh nghiệp và chính phủ. Các khoản đóng góp được tính trên quy mô doanh nghiệp và số lao động. Theo luật, các nhà tuyển dụng phải đóng một khoản tiền bảo hiểm cho mỗi lao động được tuyển. Khoản này chia làm nhiều phần, trong đó một phần được đóng vào quỹ.
Mô hình này theo ông Lộc phù hợp với Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp khi đầu tư vào tùy quy mô cần trích một khoản ký quỹ đảm bảo tuân thủ trách nhiệm xã hội, cam kết đóng BHXH đầy đủ. Nguồn kinh phí này để hỗ trợ lao động trong những rủi ro liên quan chế độ BHXH hoặc đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động khi mất việc. Mục đích đôi bên có lợi hướng đến phát triển bền vững. Thực tế nhiều doanh nghiệp chủ là người nước ngoài hoặc thuê lại nhà xưởng, khi kinh doanh thua lỗ thì biến mất, lúc đó người lao động không biết kêu ai.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cộng dồn đến hết năm 2022 cả nước có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ một đến dưới ba tháng; 440.800 người bị nợ đóng từ ba tháng trở lên và gần 213.400 người bị “treo” sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi. Số đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc.
Việc chậm đóng diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp với số tiền phải tính lãi hơn 13.150 tỷ đồng. So với năm 2021, tiền chậm đóng tính lãi tăng thêm hơn 660 tỷ đồng. Riêng tiền nợ khó thu hồi tại doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn hơn 4.000 tỷ đồng.
Hồng Chiêu