Áp lực cao phải mua nhà, rồi nuôi dạy con cái, chưa kể cạnh tranh gay gắt trong giáo dục và việc làm, đã khiến nhiều người trẻ Trung Quốc từ bỏ quan niệm truyền thống “an cư lạc nghiệp”.
Theo một cơ quan giám sát ngôn ngữ Trung Quốc, một trong 10 từ thông dụng trên Internet ở nước này năm 2021 là “tang ping” [thảng bình], vốn nghĩa đen “nằm thẳng”.
Sự lan truyền của thuật ngữ có ý nghĩa chỉ lối sống buông xuôi không cần nỗ lực trên mạng ở Trung Quốc phản ánh sự bất lực của người trẻ trước sự cạnh tranh ngày một khốc liệt trong xã hội.
Sự xuất hiện của từ vựng mới chỉ để nhằm biểu đạt những sắc thái hay biến chuyển mới của xã hội.
Từ “tang ping” được cho xuất hiện lần đầu trong một bài viết đăng trên mạng xã hội Trung Quốc Baidu Tieba tháng 4-2021 và nhanh chóng được giới trẻ Trung Quốc hưởng ứng.
Với tiêu đề “Nằm thẳng là chính nghĩa”, bài viết đi kèm bức ảnh tác giả đang nằm trên giường trong một căn phòng tối.
Chẳng bao lâu sau, dù đã bị xóa bỏ ở trang gốc, bài viết vẫn lan truyền nhanh chóng và trở thành tuyên ngôn chống chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa làm việc quá mức của người trẻ Trung Quốc.
“Nằm thẳng” trở thành diễn ngôn mới của một bộ phận lớn giới trẻ nước này. Xu hướng được họ mô tả là “liều thuốc giải độc” cho các áp lực của xã hội.
Những người trẻ tuổi ở Trung Quốc thấy kiệt sức một phần bởi những gì họ nhận được quá ít ỏi so với kỳ vọng.
Khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình bắt đầu thực hiện cải cách mở cửa ở Trung Quốc vào cuối thập niên 1970 với quan điểm “mèo trắng mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”, hàng trăm triệu người Trung Quốc đã được giải phóng sức lao động và làm việc chăm chỉ để thoát đói nghèo.
Trung Quốc dần trở thành “công xưởng của thế giới”, rồi nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu. Cho đến gần đây, công thức thông thường cho cuộc sống hạnh phúc ở Trung Quốc là làm việc chăm chỉ, mua nhà, kết hôn và sinh con.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi nhiều với thế hệ trẻ hiện nay. Với họ, kết hôn, có con và nhất là mua nhà, trở thành những yếu tố gây căng thẳng điển hình.
Thuật ngữ “phòng nô”, nghĩa đen là “nô lệ của nhà ở”, cũng xuất hiện trong những năm gần đây để mô tả những người phải làm việc cả đời để trả nợ mua nhà.
Sở hữu nhà được coi là tiêu chí quan trọng để ổn định cuộc sống theo văn hóa Trung Quốc, và cải thiện khả năng kiếm được bạn đời với nam giới nước này.
Để trả hết tiền vay mua nhà, họ không dám thay đổi công việc, chi ít tiền cho giải trí, không có khả năng đi du lịch, chứ đừng nói tận hưởng cuộc sống. Đồng thời, phải làm việc trong lo lắng, làm nhiều hơn và sống chật vật hơn.
Khi nhiều người có tiền coi bất động sản là nguồn đầu tư mang lại thu nhập cao, giấc mơ có nhà của những người trẻ ngày càng xa vời hơn.
Một thuật ngữ mới, “sáu ví tiền”, được sử dụng để mô tả quá trình mua nhà của các cặp vợ chồng trẻ. Họ phải dùng hai ví tiền của mình và bốn ví nữa của bố mẹ hai bên để mua được chỉ một căn hộ tại các đô thị lớn.
Xu hướng đó gây áp lực ngày càng lớn với những người trẻ đang cố gắng tham gia thị trường bất động sản.
Nhóm nhân khẩu học này lớn lên dưới thời “chính sách một con” và được kỳ vọng sẽ làm việc nhiều giờ hơn so với thế hệ cha mẹ hay ông bà, nhóm dân số lớn gấp đôi và đã hoặc đang gia nhập đội quân nghỉ hưu.
Nhưng kỳ vọng đó đã không thành hiện thực. Nhiều người trẻ Trung Quốc đang quay lưng lại với nền văn hóa hối hả đè bẹp họ.
“Đừng làm việc chăm chỉ bất chấp. Công ty chẳng sao hết nếu không có bạn. Nhưng nếu bạn ra đi, mẹ bạn sẽ chẳng còn gì”, một người dùng mạng xã hội Weibo bình luận.
Do đó, diễn ngôn ngày càng phổ biến trong giới trẻ là thất nghiệp, từ bỏ hôn nhân, không sinh con và tránh xa những mong muốn vật chất như nhà cửa hoặc xe hơi.
Một góc Hạc Cương nhìn từ trên cao. Ảnh chụp màn hình từ phóng sự của South China Morning Post
Giáo sư Phương Khả Thành, chuyên ngành truyền thông tại Đại học Trung văn Hong Kong, trả lời phỏng vấn báo Anh The Guardian cho biết giới trẻ Trung Quốc sử dụng từ “bai lan” hoặc “tang ping” không chỉ để “thể hiện bản thân, mà còn tìm kiếm sự kết nối với những người cùng cảm xúc”.
Sự phổ biến của các từ ngữ thời thượng này thể hiện tâm lý cộng hưởng của người trẻ khi cảm thấy tham vọng của họ đơn giản không thể đạt được và đành phải từ bỏ.
Đầu tháng 5-2019, trong bài phát biểu quan trọng kỷ niệm 100 năm phong trào Ngũ Tứ của giới học sinh, sinh viên, trí thức Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khuyến khích giới trẻ nước này hướng tới “những lý tưởng vĩ đại” và kết hợp mục tiêu cá nhân vào “bức tranh lớn” của đất nước và nhân dân.
“Hy vọng của Trung Quốc nằm ở tuổi trẻ”, ông nhấn mạnh. Nhưng thực tế với nhiều người trẻ lại là một tương lai bấp bênh và thất vọng. “Lý tưởng” khó thể là “hành trang” của họ khi tình hình tương đối ảm đạm ngay từ khi chưa tốt nghiệp đại học.
Hè năm 2023, thị trường việc làm Trung Quốc sẽ đón hơn 11,5 triệu sinh viên tốt nghiệp trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi ở mức hơn 18%. Năm 2021, theo Cục Thống kê quốc gia, tỉ lệ này là 16,2%.
Khi kinh tế phát triển chậm lại do những hệ quả của chính sách mở cửa chậm chạp sau đại dịch COVID-19 và tình hình chiến sự Ukraine, cơ hội tìm việc làm cho các bạn trẻ Trung Quốc càng trở nên khó khăn.
Trong căn hộ ở Hạc Cương. Ảnh chụp màn hình từ phóng sự của South China Morning Post
Những người trẻ đã có việc cũng vì vậy thường phải làm việc nhiều giờ hơn để giữ được công việc của mình.
Các công ty công nghệ Trung Quốc thúc đẩy văn hóa làm việc “996”, tức làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần. Ông chủ tập đoàn Alibaba, Jack Ma, từng cho rằng văn hóa làm thêm giờ độc hại này là “may mắn lớn” với người trẻ và người lao động – họ nên coi đó là vinh dự hơn là gánh nặng.
Thậm chí, Ant Financial, công ty dịch vụ tài chính trực thuộc Alibaba, còn có lịch làm việc “9106”, tức bắt đầu từ 9h sáng và kết thúc lúc 10h tối, 6 ngày/tuần.
Nhưng không phải người trẻ nào cũng cảm thấy nỗ lực của họ được đền đáp xứng đáng.