Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h22′ hôm nay (ngày 11/3, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 82,78 USD/thùng, tăng 1,19 USD, tương đương 1,46% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 4 được giao dịch ở mức 76,68 USD/thùng, tăng 0,96 USD, tương đương 1,27% so với phiên liền trước.
Hôm qua (10/3), giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần qua.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h40′ hôm qua (ngày 10/3, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 81,39 USD/thùng còn giá dầu WTI giao tháng 4 về mức 75,4 USD/thùng.
Như vậy, giá xăng dầu thế giới đã giảm 4 phiên thứ liên tiếp khi có những lo ngại về tác động kinh tế do việc tăng lãi suất.
Nguy cơ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng đẩy lãi suất điều hành lên cao hơn dự kiến để kiểm soát lạm phát đang đè nặng lên giá dầu và các tài sản rủi ro khác. Việc này có thể gây ra suy thoái và giảm nhu cầu dầu trong tương lai.
Giá xăng dầu có dấu hiệu dứt đà giảm (Ảnh: Oilprice)
Cùng với đó, giá dầu giảm còn do chịu tác động từ báo cáo việc làm của Mỹ. Số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu được công bố ngày 9/3 tăng lên mức cao nhất kể từ tuần cuối cùng của tháng 12/2022.
Tuy nhiên, vào tối 10/3, đà giảm của giá dầu đã dần được thu hẹp và có dấu hiệu chững lại.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 21h29′ hôm qua (ngày 10/3, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 81,48 USD/thùng. Còn giá dầu WTI giao tháng 4 được giao dịch ở mức 75,45 USD/thùng.
Đà giảm của giá dầu đã bị kìm lại một phần bởi các dự báo về nguồn cung thắt chặt hơn và nhu cầu cao hơn.
Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ việc cắt giảm sản lượng xuất khẩu dầu từ Nga. Hồi cuối tháng 2, Nga đã quyết định cắt giảm 500.000 thùng dầu mỗi ngày trong tháng 3 này.
Theo Reuters, trong tháng 3, Nga có kế hoạch cắt giảm 10% lượng dầu xuất khẩu và quá cảnh từ các cảng phía Tây của nước này so với tháng 2.
Bên cạnh đó, những dự báo về khả năng tăng nhu cầu của Trung Quốc cũng tác động tích cực lên giá dầu.
Các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu trong tháng 2 là dấu hiệu cho thấy nhu cầu nhiên liệu đang tăng lên tại nước này, sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ những biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 gắt gao.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo Trung Quốc sẽ chiếm gần một nửa nhu cầu tăng trưởng dầu trong năm nay.
Giá dầu nhận được sự hỗ trợ từ các số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm. Cụ thể, trong báo cáo thống kê độc lập của Viện Dầu khí Mỹ (API) trong tuần kết thúc ngày 3/3 cho biết tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm 3,8 triệu thùng so mức dự đoán tăng 0,4 triệu thùng của giới phân tích. Đây là lần giảm đầu tiên sau 10 tuần.
Trong báo cáo triển vọng năng lượng sản xuất trong ngắn hạn mới được công bố, cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản xuất và nhu cầu dầu thô của Mỹ sẽ tăng trong năm nay nhờ du lịch Trung Quốc sẽ thúc đẩy tiêu dùng.
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay (11/3) được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành ngày 1/3 của liên Bộ Tài chính – Công Thương.
Theo đó, giá xăng RON 95 giảm 120 đồng/lít, giá xuống mức 23.320 đồng/lít. Giá xăng E5 giảm 120 đồng/lít, giá bán là 22.420 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 550 đồng/lít, giá bán còn 20.250 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 370 đồng/lít, xuống mức 20.470 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Giá xăng dầu hôm nay 10/3: Tiếp tục lao dốcGiá xăng dầu hôm nay (10/3) trên thị trường thế giới tiếp tục lao dốc do lo ngại suy thoái kinh tế. Giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần qua.