Sáng này, giá vàng thế giới giảm nhẹ nhưng vẫn đang ở mức cao, trên 1.900 USD/ounce, đồng USD cũng giảm giá trong bối cảnh FED có thể tăng lãi suất vào tuần tới. Trong khi đó, giá vàng trong nước được điều chỉnh tăng lên quanh ngưỡng 67 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới rạng sáng hôm nay gần như đứng yên với vàng giao ngay giảm 0,5 USD xuống còn 1.919,5 USD/ ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.923,9 USD/ ounce, tăng 0,9 USD so với rạng sáng ngày trước đó.
Giá vàng trong nước đảo chiều tăng mạnh với mức tăng cao nhất là 350.000 đồng/ lượng lên quangh ngưỡng 67 triệu đồng/ lượng. Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 66,3 triệu đồng/lượng mua vào và 67,02 triệu đồng/lượng bán ra, tại TP.HCM bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Giá vàng thương hiệu DOJI tại khu vực Hà Nội đang niêm yết ở mức 66 triệu đồng/lượng mua vào và 66,95 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP.HCM, vàng thương hiệu này đang mua vào cao hơn 200.000 đồng nhưng bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội. Giá vàng Phú Quý SJC đang niêm yết mức 66,2 triệu đồng/lượng mua vào và 66,95 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng Vietinbank Gold đang thu mua mức 66,3 triệu đồng/lượng và bán ra mức 67,02 triệu đồng/lượng.
Đồng USD đã giảm vào phiên giao dịch vừa qua, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất theo kế hoạch, một dấu hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cũng sẽ tăng lãi suất vào tuần tới khi cả hai đều đi đúng hướng để kiềm chế lạm phát. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) quay đầu giảm nhẹ 0,20%, xuống mốc 104,44. Đồng Euro đã giảm tới 0,25% sau quyết định của ECB nhưng sau đó đã đảo ngược hướng đi, đồng USD cũng vậy. Đồng Euro tăng 0,38%, đạt mức 1,0615 USD, trong khi chỉ số đô la giảm.
Trên thị trường trong nước, vào cuối phiên giao dịch 16-3, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng nhẹ 3 đồng, hiện ở mức: 23.622 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào bán ra giữ nguyên ở mức: 23.450 đồng – 24.780 đồng.
Lãi suất tiết kiệm nhiều ngân hàng giảm mạnh. DongA Bank lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới 12 tháng giảm từ 0,5 – 0,65%/năm. Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1 – 3 tháng giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; kỳ hạn 6 tháng giảm từ 8,55%/năm xuống 7,9%/năm. VietABank điều chỉnh lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 – 12 tháng giảm 0,3%/năm so với tuần trước, dao động từ 7,8 – 8,2%/năm cho tiền gửi truyền thống. Với tiền gửi online, lãi suất tại VietABank có bước giảm mạnh hơn, từ mức 9 – 9,1%/năm xuống 8,5 – 8,6%/năm cho kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng; các kỳ hạn 12, 13 và 15 tháng cũng giảm tương ứng xuống còn 8,7%/năm.
Kienlongbank, lãi suất tiết kiệm cao nhất đã xuống dưới 9%/năm; trong đó, lãi suất kỳ hạn 6 và 12 tháng cùng niêm yết ở mức 8,9%/năm, kỳ hạn 24 tháng là 8,4%/năm. Các mức này đều giảm từ 0,2 – 0,4%/năm so với trước đó. Còn tại NCB, lãi suất kỳ hạn 6 tháng hiện còn 8,5%/năm; 12 tháng là 8,55%/năm và 60 tháng là 8,2%/năm. So với biểu lãi suất hồi tuần trước, các mức này đều giảm từ 0,1 – 0,5%/năm. Lãi suất cao nhất tại ngân hàng này cũng giảm từ 9%/năm xuống 8,65%/năm, áp dụng cho tiết kiệm online kỳ hạn từ 15 – 30 tháng.