TP HCMCuối năm, giá phòng khách sạn tại thành phố đạt mức trung bình 1,8 triệu đồng một phòng một đêm, tăng 9% theo quý, tăng 21% theo năm.
Báo cáo thị trường khách sạn của Savills Việt Nam cho biết dù nguồn cung phòng khách sạn tăng lên trong năm 2022, công suất vẫn có diễn biến khả quan và giá phòng đã tìm lại đà tăng, cho thấy sự hồi phục tích cực sau đại dịch Covid-19.
Tính riêng quý IV/2022, giá phòng trung bình đạt 1,8 triệu đồng một phòng một đêm, tăng 9% theo quý, công suất phòng đạt 62% trong mùa cao điểm du lịch cuối năm của thành phố. Nếu tính cả năm, giá phòng trung bình tại TP HCM đạt 1,6 triệu đồng một phòng một đêm, tăng 21% so với năm 2021. Công suất phòng của cả năm đạt 45%, tăng 20 điểm phần trăm theo năm. Phân khúc 5 sao cải thiện đáng kể nhất với công suất thuê tăng 24 điểm phần trăm và giá phòng trung bình tăng 44% theo năm.
Theo Savills, giá phòng khách sạn TP HCM tuy tìm lại đà tăng nhưng hiện vẫn thấp hơn 18% so với 2019, tức trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Đơn vị này dự báo việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch có thể tạo hiệu ứng tích cực cho năm 2023.
Khách sạn khu vực trung tâm TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Cuối năm ngoái, nguồn cung đạt hơn 15.500 phòng từ 111 dự án, tăng 8% theo năm và gần đạt mức trước dịch. Hai dự án mới là khách sạn 5 sao Fusion Originals và khách sạn 4 sao Northern Charm tại quận 1 cung cấp tổng cộng 271 phòng. Hoạt động của các khách sạn trên địa bàn thành phố đều được cải thiện so với cùng kỳ năm trước.
Ghi nhận của VnExpress cho thấy từ cuối tháng 12/2022 đến giữa tháng 1/2023, giá thuê phòng khách sạn ở cả phân khúc 3-4 sao tại thành phố đều tăng lên. Giá phòng khách sạn 2-3 sao ở khu vực chợ Bến Thành, quận 1 hiện tăng 15% trong 12 tháng qua. Còn các khách sạn 4-5 sao dọc theo trục Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Huệ đã tăng giá phòng khoảng 20% so với quý IV/2021.
Thạc sĩ Trang Minh Hà, Chủ tịch North Stars Asia cho biết các khách sạn tại TP HCM tăng giá phòng khi đón mùa cao điểm từ Noel, Tết Tây phục vụ khách quốc tế và kế đến là mùa Tết cổ truyền phục vụ kiều bào về thăm quê hương. Đây là thời điểm nhu cầu đặt phòng lớn nên giá thuê cũng cao hơn so với mùa thấp điểm giữa năm. Ông cho hay tuy đang tìm lại đà tăng trưởng, ngành du lịch khách sạn cần thêm thời gian để đuổi kịp giai đoạn từ năm 2019 trở về trước.
Ông Hà dự báo với việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch có thể chưa tác động ngay lập tức đến nhóm khách du lịch lẻ từ nước láng giềng đến TP HCM nhưng kỳ vọng có thể từng bước tác động nhóm khách đoàn công tác hoặc hội nghị trong thời gian tới.
Theo Sở Du lịch TP HCM, doanh thu du lịch và lượng khách tăng theo năm. Thành phố có lượng khách du lịch cao nhất cả nước nhưng vẫn chưa đạt ngưỡng trước dịch. Năm 2022, TP HCM đón gần 3,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng theo năm nhưng vẫn thấp hơn 59% so với năm 2019. Lượng khách nội địa đạt 25 triệu lượt, tăng 167% theo năm, thấp hơn 5% so với 2019.
Doanh thu du lịch năm ngoái đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 171% theo năm nhưng thấp hơn 14% so với 2019. Ngành du lịch của thành phố phục hồi chậm do phụ thuộc vào khách quốc tế và những hạn chế đối với chính sách thị thực.
Theo Statista, doanh thu ngành khách sạn ở Đông Nam Á dự kiến phục hồi hoàn toàn vào năm 2023 khi khách Trung Quốc quay trở lại. Từ 2023 – 2027, doanh thu ngành khách sạn Việt Nam dự kiến tăng trưởng 7% mỗi năm và doanh thu bình quân trên mỗi khách dự kiến đạt 158 USD vào năm 2027, tăng 0,3% mỗi năm.
Vũ Lê