Theo tờ Fortune ngày 28.4, trong một cuộc khảo sát của Resume Builder với hơn 1.300 lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy gần 3/4 nhà quản lý nhận thấy gen Z (sinh từ năm 1997 đến năm 2012) là những người khó cộng tác nhất.
Gen Z đã và đang gia nhập thị trường lao động ngày càng nhiều
49% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết thường xuyên cảm thấy thất vọng trong quá trình làm việc cùng thế hệ Z. Chỉ 4% số người được hỏi cho biết chưa bao giờ gặp trở ngại khi giám sát nhóm nhân viên này. Gen Z cũng đã trở thành nhóm người tạo nên nhiều xu hướng mới tại nơi làm việc, đặc biệt là các phong trào phản đối công việc.
Theo tờ Fortune, gen Z có đặc điểm tính cách riêng biệt nên đã thúc đẩy những thứ mà bất kỳ người lao động nào cũng mong muốn: sự linh hoạt như nhau, mức lương công bằng và văn hóa công ty tốt. Họ có thể chủ động hơn để thực hiện điều đó.
Hiện nay, gen Z đã và đang gia nhập thị trường lao động ngày càng nhiều, cũng là lúc các nhà quản lý phải cố gắng tìm cách làm việc với nhóm này.
Bà Stacie Haller, cố vấn nghề nghiệp tại Resume Builder, chia sẻ: “Gen Z không được lòng nhiều nhà quản lý khi gặp khó khăn trong giao tiếp, chuyên môn và là nhóm tiêu biểu của phong trào phản đối công việc. Gen Z có nhiều trở ngại trên chặng đường thăng tiến trong sự nghiệp. Gen Z thiếu nền tảng để thành công hơn các thế hệ cũ ở những vị trí bắt đầu”.
Gen Z gặp nhiều áp lực trong công việc
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng gen Z được sinh ra trong thời kỳ công nghệ phát triển, có những công cụ kỹ thuật số tiên tiến và mới nhất, hiện đại nhất… Tuy nhiên đó chính là những thách thức của gen Z. Bởi họ nhận được quá nhiều kỳ vọng nên nhân viên gen Z cảm thấy áp lực hơn so với đồng nghiệp lớn tuổi hơn khi gặp sự cố trong thời gian làm việc.
Ngoài ra, một số nhà lãnh đạo còn chỉ ra những vấn đề liên quan đến nhóm nhân viên gen Z là thiếu nỗ lực, động lực và năng suất. Đánh giá trên có thể xuất phát từ xu hướng bỏ việc trong im lặng (quiet quitting), âm thầm làm việc ở mức tối thiểu, không nhận thêm ngoài trách nhiệm…
Một cuộc khảo sát mới với 3.400 người từ 11 quốc gia do Viện Lực lượng lao động Australia thực hiện cho thấy mặc dù số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học nằm ở mức kỷ lục, chỉ một nửa cảm thấy đủ sẵn sàng để tham gia thị trường việc làm.
Hơn 1/4 (26%) nói rằng không tự tin khi đàm phán, trong khi 24% cho biết họ chưa sẵn sàng để làm việc nhiều giờ và 21% không muốn bị người khác quản lý.
Gần 23% trả lời rằng không chắc chắn về cách quản lý các xung đột tại văn phòng.
Mặc dù vậy, 32% gen Z vẫn tin rằng họ là thế hệ làm việc chăm chỉ nhất. Gen Z cũng thừa nhận sẽ siêng năng hơn nữa nếu công ty cho phép sắp xếp thời gian linh hoạt.