“Tôi có một hàng phở quen ở gần nơi tôi làm việc, người bán hàng ở đây hầu hết là các cô chú đã gần 70 tuổi. Họ đều là những người lao động đã từng làm việc ở các công ty, xí nghiệp gần đó, nhưng khi đến tuổi nghỉ hưu thì họ không đủ điều kiện hưởng lương hưu nên đã nhận bảo hiểm xã hội một lần, giờ đây dù đã gần 70 tuổi nhưng họ vẫn phải sống mưu sinh với hàng phở trong một con ngõ nhỏ, mặc dù con cái của họ đều đã có công ăn việc làm ổn định nhưng họ lại không muốn tạo thêm gánh nặng cho chính con cái của mình về mặt tài chính. Từng có một chú làm việc ở quán phở hỏi tôi rằng có cách nào để trả lại tiền bảo hiểm xã hội một lần hay có cách nào giúp chú được hưởng lương hưu hay không? Tôi cũng chỉ biết ngậm ngùi thấy tiếc cho họ.
Rất nhiều người hết tuổi lao động vẫn phải vất vả mưu sinh sau khi đã quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần (Ảnh minh họa: Toàn Vũ).
Từ câu chuyện đó có thể suy lại câu chuyện về việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm theo đề xuất của cơ quan soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội đang làm dư luận xôn xao thời gian vừa qua. Dù có ý kiến tranh luận khác nhau nhưng thực sự đây là một đề xuất có nhiều ý nghĩa, tạo điều kiện cho những người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu, bảo hiểm y tế. Đề xuất này nếu được thông qua thì những người như các cô chú bán hàng phở mà tôi đã nói trên sẽ có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng và được hưởng bảo hiểm y tế khi mắc bệnh phải điều trị ở bệnh viện, được an hưởng tuổi già bên gia đình và người thân.
Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2016 – 2021, cả nước có gần 30.000 người nhận bảo hiểm xã hội một lần do đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH, như vậy bình quân mỗi năm có khoảng hơn 5.000 người thuộc diện này. Và con số này vẫn sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới nếu như điều kiện tối thiểu được nhận lương hưu là 20 năm vẫn được duy trì.
Cũng một số liệu thống kê khác của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, giai đoạn 2016-2021 có hơn 4 triệu lượt người nhận bảo hiểm xã hội một lần, trong đó có hơn 1,2 triệu lượt người sau khi nhận BHXH một lần lại tiếp tục quay trở lại tham gia đóng BHXH. Thời gian tới sẽ có nhiều người ở độ tuổi 50 với nam, 45 tuổi với nữ mới bắt đầu quay trở lại tham gia đóng BHXH. Nếu tiếp tục duy trì điều kiện tối thiểu nhận lương hưu là 20 năm thì những người này rất khó có cơ hội được nhận lương hưu do thời gian chờ đợi quá dài.
Cũng có ý kiến lo ngại cho rằng hiện đang duy trì điều kiện tối thiểu 20 năm đóng BHXH bắt buộc khi đủ tuổi nghỉ hưu sẽ được nhận mức lương hưu thấp nhất bằng mức lương cơ sở (hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng). Nếu giảm 20 năm xuống 15 năm thì có những người sẽ nhận mức lương hưu thấp hơn 1,49 triệu đồng/tháng liệu có thỏa đáng không?
Theo số liệu thống kê của cơ quan bảo hiểm xã hội, trong số 3,2 triệu người đang nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, chỉ có hơn 2.000 người (chiếm 0,0625% tổng số người đang hưởng hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng) đang nhận mức lương hưu thấp nhất bằng 1,49 triệu đồng/người/tháng. Điều đó nói lên rằng, phần lớn người đang hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng (99,9375%) khi tham gia BHXH trước đây đều tham gia đóng BHXH dài hơn 20 năm.
“Mở rộng trước khi đào sâu” hay “mở rộng diện bao phủ với mức hưởng khiêm tốn sẽ tốt hơn là diện bao phủ hẹp với mức hưởng cao” là triết lý, nguyên tắc của hầu hết các nước trong khi thiết kế xây dựng các chính sách bảo hiểm xã hội. Chính việc quy định tối thiểu phải có 20 năm đóng BHXH bắt buộc với mức hưởng thấp nhất bằng mức lương cơ sở (1,49 triệu đồng/người/tháng) đã khiến cho tất cả những người lao động có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng không có cơ hội tham gia vào hệ thống BHXH.
Cùng với việc giảm 20 năm xuống 15 năm là việc bỏ quy định mức lương hưu thấp nhất bằng mức lương cơ sở, mỗi năm sẽ tạo cơ hội cho khoảng 5.000 người được tham gia mới vào hệ thống BHXH để được hưởng các chế độ ngắn hạn trước mắt (Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp) và chế độ dài hạn (hưu trí, tử tuất) và bảo hiểm y tế trong tương lai gần. Việc bỏ quy định này không hề ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 2.000 người đang hưởng mức lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng với mức 1,49 triệu đồng mà lại còn mở cơ hội cho hàng triệu người đang có mức thu nhập thấp hơn lương tối thiểu vùng do làm việc không trọn thời gian có cơ hội được bảo vệ bởi hệ thống BHXH trong tương lai.
Với hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong đó có hơn 3,7 triệu hộ có đăng ký kinh doanh đang sử dụng hàng triệu lao động hiện nay mà hàng phở “quen” của tôi cũng là một trong số đó thì việc giảm thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu thực sự sẽ mở ra cho họ những quyền lợi về BHXH cũng như là BHYT, giúp cho những người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ 20 năm đóng có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng và được hưởng bảo hiểm y tế khi mắc bệnh phải điều trị ở bệnh viện, được an hưởng tuổi già bên gia đình và người thân”.
Nguyễn Việt Thái
Th.s Kinh tế Bảo hiểm