Gần 40 năm trao truyền và gìn giữ chữ Hoa

Biên phòng – Thực hiện chủ trương bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số, thành phố Cần Thơ đã có nhiều giải pháp nhằm triển khai việc dạy tiếng nói, chữ viết trong cộng đồng dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc Hoa. Nhờ đó, tiếng Hoa được đưa vào giảng dạy trong trường học, góp phần giúp con em đồng bào dân tộc Hoa bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Và một trong những người góp phần “giữ lửa” truyền thống văn hóa của người Hoa, trao truyền cho thế hệ trẻ là cô Quách Mộc Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Hoa ngữ thành phố Cần Thơ – người đã có 37 năm công tác trong ngành giáo dục.


Cô Quách Mộc Liên thường xuyên lên lớp dạy chữ viết, tiếng nói dân tộc Hoa cho các học viên. Ảnh: N. Tâm

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc Hoa truyền thống mang nhiều nét đẹp văn hóa, cô Quách Mộc Liên luôn khát khao được giữ gìn văn hóa dân tộc mình và trao truyền nó cho thế hệ trẻ để không bị mai một. Cô Quách Mộc Liên bộc bạch: “Dạy tiếng Hoa, ngoài việc duy trì chữ viết, tiếng nói của dân tộc cho thế hệ mai sau, tôi còn mong muốn các dân tộc khác sẽ hiểu thêm về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, những nét văn hóa đặc sắc của người Hoa. Từ đó tạo nên sự hòa hợp, đoàn kết trong các dân tộc, cùng nhau phát triển các dân tộc anh em”.

“Có lẽ, điều tôi tâm đắc nhất trong 37 năm sự nghiệp giáo dục là thành công đào tạo hàng nghìn lứa học trò nói, viết thành thạo tiếng Hoa. Đồng thời, nhiều học viên sau chuỗi thời gian học tiếng Hoa có thể tìm được việc làm phù hợp trong các đơn vị có sử dụng tiếng Hoa, góp phần ổn định cuộc sống và giúp ích cho sự phát triển chung của xã hội”.- Cô Liên tự hào chia sẻ.

Qua nhiều năm kinh nghiệm, cô Liên đã đưa ra phương pháp giảng dạy phù hợp giúp cho các học viên dễ hiểu, áp dụng trong thực tế và trong công việc của mình. Đồng thời lồng ghép tuyên truyền việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào dân tộc Hoa. Để học viên năng động và có sự sáng tạo cho riêng mình, cô đã định hướng giáo viên đứng lớp hướng dẫn học viên đặt ra những tình huống thực tế áp dụng vào công việc và qua những kiến thức đã học để trả lời bằng tiếng Hoa, sau đó điều chỉnh cho từng học viên để dễ nhớ và dễ thực hành hơn.

Đồng thời, để phát huy hiệu quả của việc nghe và nói tiếng Hoa, cô khuyến khích các giáo viên cùng học viên học bài hát tiếng Hoa, xem các bộ phim và chương trình truyền hình bằng tiếng Hoa, tìm hiểu văn hóa ở các chùa người Hoa, các hội quán…, qua đó, ôn luyện các từ đã học. Ngoài ra, để đảm bảo học viên có thể tiếp cận tiếng Hoa một cách hiệu quả nhất, mỗi buổi tối, cô Liên thường đi kiểm tra các lớp, khi học viên có vấn đề gì thắc mắc, cô lại trực tiếp giảng giải cho từng học viên, chữ viết chưa đạt, cô sẽ hướng dẫn để học viên viết lại.

Bạn Thái Thanh Thanh (dân tộc Hoa, ở quận Ninh Kiều), học viên tại trung tâm cho biết: “Từ nhỏ, em đã được dạy nói tiếng Hoa, nhưng lúc đầu chỉ biết nói thôi. Sau này, cha mẹ cho em đi học thêm tiếng Hoa tại trung tâm nên hiện tại, em đã nói và viết được khá nhiều chữ Hoa. Em rất thích được học và tìm hiểu về tiếng dân tộc của mình, khi nói chuyện với mọi người, em có thể tự hào giới thiệu về những nét văn hóa, về chùa hay về thư pháp để mọi người có thể biết đến văn hóa của người Hoa”.


Nhiều bạn trẻ theo học lớp tiếng Hoa tại Trung tâm Hoa ngữ thành phố Cần Thơ. Ảnh: H. Diễm

Song song với việc học tiếng Hoa tại trung tâm, để học viên có cơ hội tìm hiểu văn hóa dân tộc Hoa, cô Liên còn tổ chức nhiều hoạt động như: họp mặt đầu Xuân, duy trì các lớp học hát, thường xuyên tổ chức các cuộc thi hát múa, kể chuyện, thi viết thư pháp, viết chữ đẹp…, qua đó, góp phần duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Hoa. Riêng đội văn nghệ của trung tâm là lực lượng nòng cốt, thường xuyên đại diện cho đồng bào dân tộc Hoa biểu diễn phục vụ các ngày lễ lớn, tham gia các liên hoan, giao lưu văn hóa – văn nghệ của đồng bào người dân tộc thiểu số trong khu vực và toàn quốc.

Và rồi từng lứa học trò được cô Quách Mộc Liên cầm tay chỉ từng nét chữ nay đã tự tin bay đến những khung trời mới, giới thiệu nhiều nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Hoa đến bạn bè quốc tế. Không những thế, những bạn trẻ dân tộc Hoa có niềm đam mê tìm tòi và trau dồi kiến thức về chữ Hoa, cô đều tạo điều kiện để các bạn được dạy tiếng Hoa ở trung tâm. Từng là học trò, giờ lại trở thành cô giáo đứng lớp dạy tiếng Hoa, cô Phước Hồng Thúy Nga chia sẻ: “Vì tình yêu tiếng Hoa của cô Quách Mộc Liên đã tạo ra một hiệu ứng tích cực, khiến không chỉ riêng người Hoa mà cả các bạn người dân tộc khác đều yêu thích học tiếng Hoa. Nhờ cô tiếp lửa đam mê nên tôi có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn với văn hóa và tinh hoa của dân tộc mình. Càng yêu thích lại càng muốn duy trì và phát huy để thêm nhiều bạn trẻ, nhất là những bạn dân tộc Hoa tìm hiểu và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc”.

N.Tâm – H.Diễm