Theo đại diện Eximbank, các khoản nợ xấu tại các TCTD đa phần là các khách hàng bất hợp tác, chống đối và tìm đủ mọi cách để kéo dài thời gian xử lý nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.
Ông Hoàng Hải Vương, Giám đốc phụ trách Khu vực miền Bắc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Ảnh: Trọng Hiếu.
Ông Hoàng Hải Vương, Giám đốc phụ trách Khu vực miền Bắc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nhận định trong thời gian qua, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD có nhiều tiến triển, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42. Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc; một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết 42 chưa phát huy hiệu quả (như áp dụng thủ tục rút gọn tại tòa án…).
Eximbank có một số góp ý, đề xuất trong dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) từ thực tiễn ngân hàng.
Thứ nhất, thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý, thu hồi nợ quá hạn, nợ xấu. Khi triển khai thực tế, việc thi hành vẫn còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập.
Cụ thể, điểm b, khoản 2, Điều 189 dự thảo quy định “Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, ông Vương cho biết, thực tế triển khai tại Eximbank, các hợp đồng bảo đảm ký trước thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 thì không có điều khoản về việc thu giữ tài sản bảo đảm. Do đó, Eximbank hiện vẫn thể chưa thể triển khai được việc thu giữ tài sản mặc dù việc bảo đảm tài sản vẫn được công chứng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định.
Vì vậy, để thuận lợi cho các TCTD được quyền thu giữ tài sản đảm bảo, vị này kiến nghị sửa đổi bổ sung đối tượng nội dung điểm b, khoản 2, Điều 189 điều như sau: “Tài sản thu giữ được Bên bảo đảm thực hiện đầy đủ các thủ tục công chứng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm cho Bên nhận bảo đảm theo quy định của pháp luật”.
Tại điểm d, khoản 2, Điều 189 dự thảo có nội dung “Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền”.
Theo ông Vương, các khoản nợ xấu tại các TCTD đa phần là các khách hàng bất hợp tác, chống đối và tìm đủ mọi cách để kéo dài thời gian xử lý nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Do đó, khách hàng cố tình nghĩ ra các tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo để kéo dài việc xử lý hồ sơ, ví dụ như tranh chấp thừa kế, tranh chấp hợp đồng đặt cọc, tranh chấp với chủ sở hữu cũ tài sản…
Các tranh chấp này đa phần phát sinh sau khi khách hàng đã công chứng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm tại các TCTD theo đúng quy định pháp luật. Vì vậy, Eximbank kiến nghị bỏ nội dung “Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền” do việc thế chấp đã được các cơ quan chức năng (phòng công chứng, văn phòng đăng ký đất đai, trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm tài sản) chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai, về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, để đảm bảo quyền lợi, giảm thiểu tổn thất, ông Vương đề xuất, số tiền thu được từ xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý TSBĐ được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, án phí và nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm.
Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, về việc giải quyết vụ án dân sự khi khách hàng đang liên quan đến vụ án hình sự khác. Ông Vương cho biết, thực trạng hiện nay, nhiều khoản nợ tại các TCTD có tài sản đảm bảo hợp pháp, tuy nhiên, trong quá trình xử lý nợ xấu, khách hàng bị khởi tố, truy tố, có liên quan trong vụ án hình sự khác.
Khi đó, việc khởi kiện tranh chấp dân sự, đòi nợ giữa TCTD và khách hàng sẽ bị tòa án tạm đình chỉ để chờ kết quả giải quyết của cơ quan điều tra và tòa hình sự. Khi tòa hình sự đã xét xử xong, có bản án có hiệu lực thi hành thì lúc đó TCTD mới tiến hành đòi nợ và xử lý khoản nợ tại tòa dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự. Do vậy, việc xử lý khoản nợ kéo dài rất lâu chưa kể qua giai đoạn thi hành án, có hồ sơ kéo dài hơn 10 năm mới có thể xử lý thu hồi được tiền.
Vì vậy, Eximbank kiến nghị nếu tài sản bảo đảm khoản nợ tại TCTD được thế chấp hợp pháp thì cơ quan công an, Viện KSND ra quyết định cho tách vụ án khởi kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng, tài sản bảo đảm hợp pháp của các TCTD để Tòa án dân sự thực hiện xét xử theo thủ tục tố tụng dân sự như bình thường.
Thứ tư, về chuyển nhượng tài sản bảo đảm, Eximbank kiến nghị bên cạnh việc ban hành Luật các TCTD, cơ quan Nhà nước nên bổ sung nội dung văn phòng đăng ký đất đai được thực hiện thủ tục chuyển nhượng khi các TCTD (bên nhận bảo đảm) ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản và trong hồ sơ chuyển nhượng phải bổ sung 1 bản chính hợp đồng bảo đảm đã được công chứng, chứng thực hợp lệ theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án, cần quy định cụ thể trong luật, tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.
Đồng thời, liên quan đến việc giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng của các ngân hàng, Eximbank kiến nghị TAND tối cao quan tâm hơn trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, lập bộ phận chuyên trách để hướng dẫn, đôn đốc các Tòa án địa phương đẩy nhanh việc xét xử, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các TCTD.
Thứ sáu, xử lý khi bên bảo đảm tự ý bán TSBĐ, cầm cố TSBĐ khi không có sự chấp thuận, đồng ý của TCTD, đại diện Eximbank cho rằng, nên bổ sung quy định về hậu quả pháp lý của việc bên thế chấp tự ý bán tài sản thế chấp mà không được sự đồng ý của bên nhận thế chấp để có cơ sở xử lý khi vi phạm xảy ra nhằm răn đe hành vi tự ý bán, chuyển nhượng tài sản đang thế chấp hợp pháp mà không có sự đồng ý của TCTD.
Cuối cùng, vị này cho biết, hiện nay, chưa có sự phối hợp đồng bộ và thống nhất việc xử lý giữa TCTD và các Cơ quan chức năng nên khi có vấn đề phát sinh cần được giải quyết thì các cơ quan ban/ngành chưa đẩy nhanh xử lý, giải quyết. Vì vậy, cần thiết phải ban hành thông tư liên tịch để quy định cụ thể về thời gian xử lý, xác minh, trả lời các văn bản của các cơ quan chức năng và hướng dẫn các cơ quan phối hợp để đẩy nhanh quá trình xử lý, giải quyết hồ sơ của các TCTD.
Ngoài ra, vị này cũng kiến nghị Tổng cục Thi hành án quan tâm hơn trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, lập bộ phận chuyên trách để hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan thi hành án địa phương đẩy nhanh việc thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án.