Trong thời gian ông Bùi Hồng Minh đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc VICEM (2017 – 2021), mặc dù doanh thu của tổng công ty tăng đều theo các năm, song lợi nhuận lại sụt giảm đáng kể do nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài.
Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, tại kỳ họp 26, cơ quan này đã xem xét kết quả giải quyết tố cáo ông Bùi Hồng Minh, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Xây dựng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, ông Bùi Hồng Minh trên các cương vị công tác đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, những điều đảng viên không được làm. Ông cũng vi phạm trách nhiệm nêu gương trong lãnh đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác cán bộ; có nguy cơ mất vốn đầu tư.
Ông Bùi Hồng Minh từng đảm nhận các vị trí lãnh đạo ở Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) như Tổng giám đốc (từ tháng 9.2017), Chủ tịch Hội đồng thành viên (từ tháng 8.2019). Ngoài ra, ông Minh còn là Bí thư Đảng ủy Tổng công ty; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương. Đến tháng 6.2021, ông Minh được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
VICEM đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 đạt trên 4.000 tỉ đồng
Doanh thu tăng, lợi nhuận giảm
Trong giai đoạn 2017-2021 (kể từ khi ông Bùi Hồng Minh đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc VICEM), hoạt động sản xuất kinh doanh của VICEM có chiều hướng đi lùi. Theo đó, doanh thu của VICEM tăng bình quân 1,94%/năm, song lợi nhuận lại giảm 4,22%/năm.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của VICEM có chiều hướng đi lùi qua các năm
Tính riêng năm 2021, doanh thu của VICEM đạt 33.638 tỉ đồng, bằng 94,7% kế hoạch năm 2021, đồng thời đi ngang so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận trước thuế ở mức 2.011 tỉ đồng, giảm hơn 3% so với năm 2020.
Lãnh đạo VICEM cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhu cầu xi măng giảm, chi phí logistics tăng.
Bên cạnh đó, thị trường xi măng trong nước tiếp tục cạnh tranh khốc liệt do cung vượt cầu. Giá cả vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng cao so với đầu năm 2021. Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển nhu cầu xi măng bao sang xi măng rời, thị trường xuất khẩu gặp nhiều bất lợi cũng gây ảnh hưởng đáng kể đến VICEM.
Sang đến năm 2022, những “quả tạ” riêng biệt nhưng chồng chéo nhau, gồm bão giá nguyên nhiên liệu đầu vào, rủi ro lạm phát, chính sách kiểm soát tín dụng bất động sản cùng với sự suy yếu của kênh xuất khẩu đã kéo lợi nhuận của VICEM tiếp tục đi lùi.
Theo đó, doanh thu năm 2022 của VICEM đạt hơn 39.450 tỉ đồng tổng, tăng 16,6% so với năm 2021 và không hoàn thành kế hoạch năm. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ) ước hơn 1.530 tỉ đồng, đạt gần 90% kế hoạch và giảm 30% so với năm ngoái. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ khi VICEM công bố thông tin từ năm 2015.
Trong năm này, sản lượng sản xuất clinker đạt 20,65 triệu tấn, bằng 96,2% so với kế hoạch năm và giảm 5% so với năm 2021. Tổng sản phẩm xi măng tiêu thụ của VICEM ước đạt 27,46 triệu tấn, bằng 93,2% so với kế hoạch năm và giảm 6,7% so với năm 2021.
Lý giải về kết quả kinh doanh năm 2022, phía VICEM cho biết, sự mất cân đối cung – cầu cục bộ giữa các vùng miền làm tăng chi phí logistics. Thị trường xi măng trong nước tiếp tục cạnh tranh khốc liệt do cung vượt cầu. Giá cả vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng cao. Kênh xuất khẩu xi măng, clinker cũng gặp rất nhiều khó khăn do Covid-19, gây áp lực ngược trở lại thị trường trong nước.
Thêm vào đó, xu hướng dịch chuyển nhu cầu xi măng bao sang xi măng rời làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh của VICEM do giá trị thương hiệu chủ yếu gắn với xi măng bao.
Ngoài ra, VICEM còn gặp khó về nguồn cung than khi thiếu cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và giá tăng đột biến. Riêng giá than tăng cao đã làm chi phí đầu vào của riêng nhiên liệu này đội thêm khoảng 4.000 tỉ đồng so với năm 2021.
Trước tình hình đó, doanh nghiệp này đã có 3 lần tăng giá bán xi măng. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều giảm, cạnh tranh trên thị trường lớn, giá xuất khẩu xi măng và clinker không tăng. Các đơn vị thành viên phải bổ sung chiết khấu, khuyến mại để giữ sản lượng và thị phần. Do đó, mức tăng giá thu về chưa đủ bù đắp ảnh hưởng của việc tăng chi phí đầu vào.
Hiện tại, VICEM chưa công bố báo cáo tài chính cả năm 2022. Nếu căn cứ theo BCTC năm 2021, tổng tài sản VICEM tại ngày 31/12/2021 đạt 37.645 tỉ đồng, giảm 5,9% so với số đầu kỳ. Vốn chủ sở hữu 21.995 tỉ đồng, tăng nhẹ 0,4%. Ngoài ra, nợ phải trả là 15.650 tỉ đồng, giảm 13,6% và là mức thấp nhất giai đoạn khi ông Bùi Hồng Minh đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc VICEM.
VICEM đề xuất loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn
Năm 2023, thị trường xi măng trong nước được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn do xây dựng dân dụng phục hồi chậm, các công trình, dự án cũng chậm triển khai khi gặp khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Thị trường xi măng trong nước được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong năm 2023
Ngoài ra, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, đặc biệt là giá than dự báo vẫn duy trì ở mức cao. Trong khi đó, giá bán xi măng chưa thể bù đắp, dẫn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm mạnh.
Với nhiều thách thức, VICEM đặt mục tiêu sản xuất clinker trong năm 2023 đạt khoảng 24,2 triệu tấn, tăng khoảng 17% so với năm 2022. Tổng sản phẩm tiêu thụ khoảng 29,2 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm trước. Tổng doanh thu đạt trên 40.000 tỉ đồng.
Để hoàn thành các mục tiêu này, VICEM sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu xi măng vào các thị trường lớn như Trung Quốc, Nam Mỹ… Bên cạnh đó, VICEM cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sáu giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong năm 2023:
– Một là, rà soát để tái cơ cấu Tổng Công ty trong giai đoạn 2022-2025.
– Hai là, trình Bộ Xây dựng điều chỉnh phương án vốn điều lệ tại công ty mẹ.
– Ba là, kế hoạch sản xuất 5 năm giai đoạn 2021-2025.
– Bốn là, đề xuất Bộ cho phép giữ lại dự án Trung tâm điều hành và giao dịch của Vicem để đầu tư, sử dụng làm trụ sở Trung tâm điều hành của Tổng Công ty.
– Năm là, xem xét chất lượng các đơn vị thành viên, bổ sung các mỏ nguyên liệu trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các khoáng sản vật liệu xây dựng giai đoạn 2021-2030.
– Sáu là, đề xuất ý kiến với các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ TN&MT tạo điều kiện cho Tổng Công ty thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản và kiến nghị Chính phủ thực hiện các biện pháp kích cầu xi măng.