Sáng sớm, ông Lê Vinh, trú tại thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình lại lên thuyền thúng, tiến về vùng biển có nhiều rong mơ, cách bờ khoảng 800m để khai thác.
Rong mơ phát triển ở các ghềnh đá cách bờ 500-800m (Ảnh: Đ.T).
Nghề cắt, vớt rong mơ đã gắn bó với ông Vinh nhiều năm qua. Đây được xem là loài rau xanh của biển, có giá trị dinh dưỡng cao nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Nhờ rong mơ mà ngư dân các xã vùng bãi ngang ở Quảng Bình có thêm thu nhập khá với nghề thời vụ.
Sau hơn 2 giờ ngụp lặn, ngâm mình trong nước biển, ông Vinh gom được gần 3 tạ rong mơ. Khi chiếc thuyền thúng được chất đầy rong, người đàn ông làng biển nhanh chóng quay về bờ, phơi rong trước khi đưa đi tiêu thụ.
Mất hơn 2 giờ ngụp lặn dưới biển, ngư dân có thể thu về hàng tạ rong mơ tươi (Ảnh: Đ.T).
Theo ông Vinh, rong mơ chỉ xuất hiện vào khoảng cuối tháng 3 đến tháng 8 âm lịch hàng năm. Bởi vậy, cứ vào dịp này, ngư dân các xã bãi ngang Quảng Đông, Quảng Phú (huyện Quảng Trạch) lại rộn ràng vào mùa khai thác. Rong năm nay được mùa, được giá, nên người dân rất phấn khởi.
“Rong mơ thân mềm, thường phát triển ở độ sâu 0,5-3m, muốn lấy được phải vất vả ngụp lặn hàng giờ đồng hồ dưới biển. Sáng nay tôi vớt được gần 3 tạ, phơi khô cũng được vài yến rong mơ. Giá trung bình thương lái thu mua 7.000 đồng/kg thì chỉ mất một lúc vào buổi sáng, tôi cũng kiếm được gần 2 triệu đồng”, ông Vinh vui vẻ.
Ngư dân khai thác rong chỉ cần một chiếc thuyền thúng bơi ra khu vực gành đá gần bờ là có thể lặn khai thác (Ảnh: Đ.T).
Một số người khai thác rong mơ ở xã Quảng Phú cho biết, so với nghề đánh bắt hải sản, thì việc khai thác rong mơ dễ dàng và ít tốn kém chi phí hơn. Ngư dân khai thác rong chỉ cần chiếc thuyền thúng bơi ra khu vực gành đá gần bờ là có thể lặn khai thác.
Người đi hái rong biển phần lớn là thanh niên trai tráng và những người đàn ông khỏe mạnh, có nhiều kinh nghiệm ngụp lặn để tránh hiểm nguy. Còn phụ nữ, trẻ em, người già phụ phơi rong trên bãi biển khi thuyền khai thác đưa rong về bờ.
Người đi hái rong biển phần lớn là thanh niên trai tráng, đàn ông khỏe mạnh, có nhiều kinh nghiệm ngụp lặn để tránh hiểm nguy (Ảnh: Đ.T).
Bờ biển các xã Quảng Phú, Quảng Đông mùa này đang trở thành bãi phơi rong của bà con ngư dân. Rong mơ phải phơi khô trước khi bán nên trời càng nắng gắt, công việc càng thuận lợi.
“Buổi sáng ở đây có hàng chục thuyền thúng, ghe của ngư dân ra biển khai thác rong mơ. Đàn ông, thanh niên thì lặn cắt rong mơ, phụ nữ, người già, trẻ em phụ phơi rong mơ trên bãi biển. Năm nay giá rong cao, có bao nhiêu thương lái đều mua hết nên ai cũng vui”, anh Lê Văn Lộc, một người khai thác rong mơ cho biết.
Bờ biển các xã Quảng Phú, Quảng Đông mùa này đang trở thành bãi phơi rong của bà con ngư dân (Ảnh: Đ.T).
Trước đây, ngư dân khai thác rong mơ ồ ạt theo kiểu tận thu nhưng những năm gần đây, nhờ được tuyên truyền, mọi người có ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường, khai thác đúng mùa và hạn chế.
Ông Lê Ngọc Linh – Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Quảng Bình cho biết, tại vùng bãi ngang các xã Quảng Phú, Quảng Đông, ngoài nguồn thu nhập chính từ nghề đánh bắt thủy hải sản, ngư dân còn có thêm nguồn thu nhập phụ khá cao từ việc khai thác rong biển.
Rong mơ sau khi phơi khô có giá 7.000 đồng/kg và được thương lái thu mua hết (Ảnh: Đ.T).
Theo ông Linh, một số loài rong biển bị cấm khai thác vào các thời điểm trong năm để loại sản vật này có thời gian phát triển, tạo môi trường thuận lợi cho các loại hải sản về trú ngụ, sinh sản trong bãi rong. Để làm được điều này cần có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan thủy sản và cộng đồng dân cư để bảo vệ nguồn lợi bền vững, lâu dài.