Biên phòng – Nhờ chủ động, linh hoạt trong công tác và luôn tận hiếu với dân, những người lính quân hàm xanh nơi vùng biên viễn Hà Giang, Cao Bằng luôn được chính quyền, quần chúng nhân dân tin yêu, ủng hộ, coi là con, là em trong một nhà… Đó là chính động lực, nguồn cổ vũ lớn lao giúp cho BĐBP Hà Giang và Cao Bằng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.
Bài 1: Thực hiện tốt “3 bám, 4 cùng”
Bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng với phương châm “3 bám, 4 cùng”, thời gian qua, BĐBP 2 tỉnh Hà Giang và Cao Bằng đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, sống cùng dân, tận tụy chăm lo đời sống cho nhân dân ở khu vực biên giới, nhất là đồng bào dân tộc ít người. Những việc làm thiết thực đó đãvà đang giúp người dân nơi vùng biên viễn từng bước nâng cao hiểu biết, thay đổi tư duy, trừ bỏ tập tục lạc hậu, hướng tới cuộc sống tươi đẹp hơn.
Cán bộ Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP Hà Giang thăm, động viên người dân ở thôn Lùng Vần Chải, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc. Ảnh: Phương Vy
Vận động nhân dân bài trừ tập tục lạc hậu
Lâu lắm rồi, tôi mới có dịp trở lại vùng cao nguyên đá Hà Giang. Phố thị rộng hơn ra, nhà cao tầng thi nhau mọc lên ở cả các vùng quê xa xôi, hẻo lánh. Giao thông nông thôn đã từng bước đượccải thiện. Dọc theocác xã biên giới ở Hà Giang, bên cạnh sự vươn lên của xã hội, ở các dòng họ thuộc người dân tộc thiểu số,các phong tục, tập quán lạc hậu như ma chay, cưới hỏi đã giảm bớt nhiều. Nhân dân các xã biên giới, tuy cuộc sống chưa đủ đầy nhưng trên nét mặt đã thấy tươi vui, phấn khởi hơn xưa.
Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, tích cực của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp, trong đó có vai trò tích cực của BĐBP Hà Giang…
Khu vực biên giới tỉnh Hà Giang có 32 xã, 2 thị trấnthuộc 7 huyện biên giới. Trong số 123 thôn, bản giáp biên, có 19 dân tộc anh em sinh sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm trên 60%. Đây cũng là địa bàn còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu trong đời sống nhân dân. Bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP Hà Giang còn tăng cường bám, nắm địa bàn, thực hiện tốt Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10/5/2021 của Tỉnh ủy Hà Giang về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”.
Do gần dân, hiểu dân và luôn được dân ủng hộ nên chỉ sau một thời gian, BĐBP Hà Giang đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện thành công một số mô hình như: “Xóa bỏ kết hôn cận huyết thống” ở xã Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì; “Xóa bỏ hủ tục trong tang lễ” đối với người dân tộc La Chí ở xã Bản Máy, người Dao, người Giấy ở thôn Lùng Vần Chải, thôn Luồng (xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc); bài trừ tập tục lạc hậu trong hôn nhân, đời sống sinh hoạt ở xã Nàn Xỉn và Chí Cà, huyện Xín Mần. Qua đó, đã làm thay đổi nhận thức của nhân dân về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp, bài trừ tập tục lạc hậu.
Chỉ riêng năm 2022, các đồn, đơn vị thuộc BĐBP Hà Giang đã phối hợp với địa phương vận động 393 hộ gia đình có đám tang thực hiện xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Các hủ tục như không cho người chết vào áo quan; mời thầy cúng, thầy mo tổ chức các nghi lễ, tổ chức đám tang dài ngày gây lãng phí tiền của, thời gian; tục phơi nắng, chôn cất quá nông…đến nay đã cơ bản được xóa bỏ.
Xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình
Nếu việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số bài trừ các tập tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn minh là điểm nhấn của BĐBP Hà Giang thì nét son trong công tác dân vận của BĐBP Cao Bằng là ngăn chặn, xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, theo Chỉ thị số 37-CT/TU, ngày 31/5/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng.
Cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Nặm, BĐBP Cao Bằng trò chuyện với ông Hoàng Văn Cá, ở xóm Lũng Chẩn, xã Lũng Nặm, huyện Hà Quảng. Ảnh: Phương Vy
Là tỉnh miền núi biên giới ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, Cao Bằng có đoạn biên giới dài trên 333km, trải dài theo địa giới hành chính 37 xã, 3 thị trấn thuộc 7 huyện. Trên khu vực biên giới của tỉnh Cao Bằng có 27.918 hộ dân với 117.228 người thuộc 7 dân tộc chính là Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Sán Chỉ, Lô Lô. Phần lớn người dân ở khu vực biên giới sinh sống bằng nghề nông, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; trình độ nhận thức không đồng đều… nên ý thức chấp hành pháp luật của một số ít quần chúng nhân dân còn hạn chế.
Theo Đại tá Đặng Hồng Quân, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Cao Bằng, khoảng 30 năm về trước, đời sống của đồng bào người Mông trên tuyến biên giới Cao Bằng còn nhiều khó khăn, có nhiều hủ tục. Lợi dụng vấn đề đó, với những luận điệu mê tín dị đoan như: “Không làm cũng có ăn, không học cũng biết chữ, ốm đau tự khỏi bệnh”…, đối tượng Dương Văn Mình đã tuyên truyền, dụ dỗ người dân đi theo và tham gia một số hoạt động gây ảnh hưởng, xáo trộn đến cuộc sống đời thường, làm lệch chuẩn văn hóa, đạo đức xã hội…
Trước diễn biến trên và thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP và Tỉnh ủy Cao Bằng, BĐBP Cao Bằng đã thành lập nhiều tổ công tác, phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động giải thích về bản chất sai trái của tổ chức Dương Văn Mình. Từ đó, giúp cho nhiều người dân hiểu rõ, nhận ra bộ mặt thật của Dương Văn Mình là xấu xa, lừa bịp, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp bao đời mà người Mông đã xây dựng. Vì thế, nhiều hộ đồng bào Mông đã từ bỏ, không tin, không theo Dương Văn Mình.
Đại tá Đặng Hồng Quân cho biết thêm, trong năm 2022, BĐBP Cao Bằng đã phối hợp tổ chức được 1.496 buổi tuyên truyền, thu hút được 67.906 lượt người nghe, cấp phát trên 4.000 tờ rơi. Mưa dầm thấm lâu, bằng sự kiên trì, thuyết phục và khéo léo của các tổ, đội công tác BĐBP, nhiều bà con người Mông trên khu vực biên giới Cao Bằng đã nhận ra bộ mặt thật của Dương Văn Mình và tự giác từ bỏ.
Ông Hoàng Văn Cá,Trưởng xóm kiêm Bí thư Chi bộ xóm Lũng Chẩn, xã Lũng Nặm, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng cho biết: Trước kia, bà con không biết thì theo thôi. Bây giờ, được BĐBP và chính quyền tuyên truyền thì không có ai theo nữa. Xóm Lũng Chẩn có 20 hộ đồng bào người Mông, trước kia có 10 hộ theo cái gọi là tổ chức Dương Văn Mình thì nay cả 10 hộ này đã cam kết từ bỏ…
Với sự đồng lòng, quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc BĐBP Hà Giang và BĐBP Cao Bằng đã góp phần củng cố được niềm tin trong quần chúng nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc yên tâm lao động, sản xuất, nâng cao đời sống văn hóa. Từ đó, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
Bài 2: Gắn bó máu thịt với nhân dân
Đăng Bảy