Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khuyến cáo người lao động hộ nghèo, đối tượng chính sách cần liên hệ cơ cơ quan lao động – thương binh và xã hội gần nhất để được tư vấn, tránh bị lừa đảo – Ảnh: GIA ĐOÀN
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), kiều hối từ lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về Việt Nam ước tính khoảng 2-3 tỉ USD/năm. Trong đó, có đóng góp từ chính các thanh niên hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, “lõi nghèo”.
Nhiều chướng ngại ‘cản bước’
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh – phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, nhiều lao động trên địa bàn khi về nước đã khởi nghiệp thành công, nâng cao đời sống bản thân và lan tỏa ra cộng đồng. Chính kỹ năng nghề, tác phong làm việc chuyên nghiệp thu được từ nước ngoài tạo sinh kế bền vững, xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng nhiều người Mông, Dao…
Tuy vậy, nhiều người trẻ chưa mặn mà đi làm việc nước ngoài dù chính sách rất tốt như người ở huyện nghèo, vùng dân tộc thiểu số được hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa, tiền ăn 50.000 đồng/người/ngày, tiền ở 400.000 đồng/người/tháng, đồ dùng cá nhân như quần áo, giày dép ở mức 600.000 đồng/người.
Nguyên nhân do bà con ngại học ngoại ngữ, hiểu biết pháp luật còn chưa cao, thiếu tác phong làm việc chuyên nghiệp…
Ông Lê Đình Tùng – phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa – cho hay giai đoạn 2017 – 2021, Thanh Hóa có hơn 42.000 lượt lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Hằng năm, kiều hối gửi về khoảng 120 – 150 triệu USD (tương đương 2.760 – 3.450 tỉ đồng). “Hộ nghèo có người đi làm việc ở nước ngoài cơ bản đã thoát nghèo và có hướng phát triển vươn lên làm giàu”, ông Tùng cho biết.
Tuy nhiên, nhiều người trẻ không mặn mà đi làm việc ở nước ngoài do thiếu chính sách hỗ trợ thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, vay vốn từ ngân hàng chính sách, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động về nước…
Nhiều lao động về nước áp dụng kiến thức đã học về nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa sản xuất vào thực tiễn – Ảnh: HÀ QUÂN
Người đi ít dù chính sách rất tốt
Theo ông Nguyễn Gia Liêm – phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), người nghèo được hỗ trợ sinh hoạt phí, học ngoại ngữ, học nghề, thậm chí là vay 100% chi phí từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài.
“Nhưng tỉ lệ lao động huyện nghèo đi rất ít mặc dù chính sách rất tốt”, vị này quan ngại.
Nguyên nhân do một số cán bộ chưa rõ yêu cầu, điều kiện, chính sách để giải thích cho người lao động hiểu, giúp họ chủ động sắp xếp kế hoạch học tập cũng như làm hồ sơ, thủ tục phù hợp với khả năng, trình độ, tài chính cá nhân.
Trong khi đó, lao động huyện nghèo, kinh tế khó khăn, vùng dân tộc thiểu số có thể tham gia các chương trình phi lợi nhuận như Chương trình đi làm việc tại Hàn Quốc (EPS) có lương 1.400 – 1.800 USD/tháng, Chương trình đưa thực tập sinh sang thực tập tại Nhật Bản IM Japan lương dao động 1.200 – 1.400 USD/tháng…
Ngoài phối hợp giải quyết các tồn tại, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng báo cáo, trình Chính phủ tiếp tục triển khai các chương trình đưa lao động thời vụ sang Hàn Quốc, Úc, Israel, Nhật Bản làm nông nghiệp, ưu tiên người trẻ ở vùng trung du, miền núi với phương châm “đi làm thợ, về khởi nghiệp”.
Nhân tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022, ông Tô Đức – vụ trưởng, chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) – cho hay Nhà nước, cơ quan chức năng và doanh nghiệp tiếp tục dành nguồn lực hỗ trợ lao động vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển.
Thủ tướng đã có quyết định phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 với nhiều giải pháp cụ thể. Dự kiến, khoảng 5.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và kỳ vọng ít nhất 80% hộ gia đình sẽ thoát nghèo.
“Chính sách đã có nhưng bản thân người nghèo cần có ý chí tự vươn lên, chủ động thoát nghèo”, ông Đức nêu rõ.