Hoàng Thắng phải tính toán để không tiêu quá số tiền học bổng, khi giá thuê nhà ở Australia tăng cao nhất trong nhiều năm qua.
Hoàng Thắng, 28 tuổi, trúng học bổng Chính phủ để theo học chương trình thạc sĩ tại Adelaide, Nam Australia, từ tháng 7/2022. Thời điểm đó, Thắng không đăng ký được chỗ ở trong ký túc xá nên phải thuê nhà cách trường khoảng 2,5 km. Căn phòng mà nam sinh thuê rộng chừng 14 m2, khép kín, với giá 265 AUD (4 triệu đồng) mỗi tuần, gồm cả điện, nước, dịch vụ.
Hết hợp đồng sau 6 tháng, Thắng đã đi tìm phòng gần một tháng nay. Hiện, một phòng tương tự có giá khoảng 280 AUD (4,6 triệu đồng) mỗi tuần nhưng nếu thuê, nam sinh phải dùng chung nhà vệ sinh và bếp ăn với 6 người khác. Thắng tạm ở nhờ một người bạn, dự tính tìm phòng ở khu vực xa hơn.
Một căn phòng có giá 280 AUD mỗi tuần tại Nam Australia, tháng 2/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Phong, theo chương trình thạc sĩ ở Đại học Flinders, cho biết du học sinh thường thuê phòng đơn khoảng 12 – 15 m2 hoặc phòng đôi với diện tích 20 – 25 m2. Giá thuê trung bình cho hai loại phòng hiện khoảng 190 – 260 AUD (3,1 – 4,2 triệu đồng) và 300 – 350 AUD (4,9 – 5,7 triệu đồng) một tuần.
Phong thuê một căn studio cách trường 2 km với giá 280 AUD, gồm điện, nước, dịch vụ, an ninh. “Giá này đắt hơn 30% so với một năm trước”, du học sinh 9x nói.
Ở gần trung tâm Sydney, anh Nguyễn Phúc Bình, thạc sĩ Đại học Macquarie, nguyên chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Australia, cũng cho biết vừa nhận được thông báo tăng gần 50% tiền thuê nhà.
“6 tháng trước, giá phòng thuê cho ba người là hơn 800 AUD mỗi tuần (gần 13 triệu đồng), nhưng hiện tại là 1.200 AUD (khoảng 20,1 triệu đồng), chưa bao gồm các phụ phí đi kèm”, anh Bình nói, cho biết giá thuê phòng ở Sydney thường tăng đồng loạt và càng gần trung tâm thì càng đắt.
Đầu tháng 2, Duy Thịnh, 18 tuổi, sinh viên Đại học Melbourne, thuê được một phòng trọ cách trường 8 km với giá 250 AUD mỗi tuần, rẻ hơn khoảng 100 AUD (1,6 triệu đồng) so với căn phòng cũ ở gần trung tâm hơn. Thịnh nói may mắn vì được một người bạn giới thiệu. Nam sinh đang ở Việt Nam, cho biết đã tự tìm nhà trên mạng từ đầu tháng 1 nhưng không được.
“Các phòng cho thuê quanh trường gần như không còn, nếu có thì cũng không thuê nổi vì giá cao hơn”, Thịnh kể.
Việt Nam có hơn 22.300 du học sinh tại Australia, đứng thứ tư về số sinh viên quốc tế, theo thống kê đến tháng 11/2022 của Bộ Giáo dục nước này.
Các du học sinh người Việt cho biết nguồn cung nhà thuê và giá thuê đang là vấn đề nóng bỏng với tất cả sinh viên quốc tế, và cả những sinh viên Australia không ở cùng gia đình.
Domain – một trang bất động sản ở Australia cho hay giá thuê phòng ở nhiều thành phố đã tăng “bất thường”, đến 17,6% trong một năm. Đây là mức tăng cao nhất từng được ghi nhận tại Australia. Trong khi đó, dữ liệu từ CoreLogic được công bố tháng 12/2022 cho thấy chi phí thuê nhà trung bình ở Australia đã tăng 10,2% trong năm qua.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Dự trữ Australia, từ tháng 9/2020 đến nay, giá thuê nhà đã tăng 22,2%. Giá thuê trung bình theo tuần của một căn hộ tăng từ 430 AUD lên 519 AUD.
Trong khi đó, một báo cáo từ PropTrack – nền tảng định giá trực tuyến, cho biết nhu cầu thuê nhà đã tăng hơn 31% ở nhiều thành phố lớn, trong khi nguồn cung lại ở mức thấp. Cuối năm 2022, số phòng cho thuê giảm 26,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ nhà trống cho thuê ở Melbourne là 1,1%, so với 3% vào tháng 12/2021.
Trang ABC News hôm 4/2 nói đang có một cuộc khủng hoảng về chỗ ở với sinh viên các trường đại học. Nhiều trường đại học đã kín chỗ ký túc xá, trong khi sinh viên quốc tế ứng tuyển vào trường tăng.
Theo anh Bình, các bên cho thuê đổ lỗi do lãi suất tăng mạnh. Tháng 12 năm ngoái, Ngân hàng Dự trữ Australia đã tăng lãi suất thêm 0,25%, lên mức 3,1% – mức cao nhất trong một thập kỷ qua. Ngoài ra, Australia đã mở cửa để đón sinh viên trở lại học trực tiếp sau hai năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhiều người dự đoán giá thuê nhà có thể còn tăng vì khoảng hơn 40.000 sinh viên Trung Quốc và Ấn Độ sắp đến nước này học tập.
Giá nhà tăng cao, khiến nhiều du học sinh phải chi tiêu căn cơ hơn trước, theo anh Bình. Anh ước tính, một sinh viên quốc tế ở Sydney chi tiêu khoảng 600 – 700 AUD (9,8 – 11,4 triệu đồng) mỗi tuần, nhưng hơn một nửa đã dành cho tiền thuê nhà. Những người thuê nhà xa hơn sẽ gặp khó trong việc di chuyển và giao lưu, làm thêm.
Ở Adelaide, Hoàng Thắng nói tiền thuê nhà chiếm hơn 50% mức hỗ trợ của học bổng mà Thắng được nhận. Vì không đi làm thêm, Thắng phải tính toán, cố gắng chi tiêu trong khoảng 500 AUD (8 triệu đồng) cho ăn uống hàng tháng, còn lại dành cho các hoạt động khác và dự phòng. Duy Thịnh thì cho biết khi chuyển đến nơi mới, em phải đi tàu mất khoảng 30 phút đến trường, với giá vé 2,5 AUD (hơn 40.000 đồng) một lượt.
Theo ABC News, một số sinh viên đã bị lừa đảo khi thuê nhà. Prasidha Neupane, người Nepal, đã bay tới Perth vào tháng trước để lấy bằng thạc sĩ Kỹ thuật Môi trường, nhưng chỗ ở mà anh đặt trước hóa ra không tồn tại.
Anh Phong lưu ý du học sinh nên tìm nhà trên các trang web uy tín tại Australia như Realestate, Gumtree, Flatmates hoặc các phòng cho thuê do trường giới thiệu và thông qua các hội nhóm sinh viên.
Còn anh Phúc Bình cho rằng nếu đã có visa, sinh viên có thể nhờ người quen tìm hiểu kỹ và thuê giúp sớm. Trong trường hợp về nghỉ, du học sinh nên cân nhắc việc trả nhà, vì có thể khi quay trở lại sẽ khó thuê hơn.
“Trước khi sang Australia, các bạn hãy đăng ký dịch vụ ký túc xá của trường hoặc các chỗ ở dịch vụ mà trường liên kết”, anh Bình nói, cho biết với cách này, du học sinh có thể thuê được nhà dễ hơn.
Doãn Hùng
*Tên một số nhân vật đã được thay đổi