Biết tin Australia cho sinh viên quốc tế ở lại thêm hai năm sau tốt nghiệp, Nguyễn Lâm Huy liền thay đổi kế hoạch học tập.
Lâm Huy, 20 tuổi, đang là sinh viên ngành Phân tích dữ liệu, Đại học Quốc gia Australia. Theo chính sách cũ, sinh viên học tại thủ đô Canberra như Huy được ở lại làm việc trong ba năm, thay vì hai năm như các khu vực khác. Khi chính sách mới của Australia có hiệu lực vào 1/7 tới, Huy sẽ được ở lại tổng cộng 5 năm.
Theo kế hoạch, ở kỳ hai năm thứ hai, Lâm Huy sẽ đi làm thêm và thực tập, còn năm cuối dành thời gian tìm việc phù hợp. Giờ đây, Huy nói sẽ gác lại việc này để tập trung học, tìm hiểu thêm về mảng AI (trí tuệ nhân tạo) và các kỹ năng cần thiết khác.
“Em không vội nữa. Năm thứ hai em sẽ học thêm môn AI, tập trung lấy điểm cao môn đó. Áp lực buộc phải có công việc sẽ nhẹ nhàng hơn”, Huy chia sẻ.
Nguyễn Hoàng Nam, sinh năm 1999, quê Phú Thọ, hào hứng nhưng không quá bất ngờ với chính sách mới, do đã tìm hiểu và biết tình trạng thiếu lao động ở đây. Nam đến Australia từ đầu năm để theo đuổi chương trình thạc sĩ quản lý giáo dục của Đại học Monash, thành phố Melbourne.
Nam nói phải tốt nghiệp, đi làm rồi mới tính đến các phương án tiếp theo. Tuy nhiên, nam sinh sẽ cân nhắc việc ở lại hết thời gian cho phép để tích lũy kinh nghiệm, tài chính trước khi trở về Việt Nam.
Nhiều người cho rằng việc Australia tăng thời gian ở lại sau tốt nghiệp giúp du học sinh thêm cơ hội việc làm, định cư. Vì vậy, kế hoạch ban đầu của nhiều du học sinh có thể sẽ thay đổi.
Hoàng Nam (đeo kính, áo đen) trong tuần lễ Định hướng của trường cùng sinh viên quốc tế tại Đại học Monash, tháng 2/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từ 1/7, sinh viên quốc tế tốt nghiệp từ một trường đại học của Australia, có thị thực 485 (thị thực ở lại làm việc tạm thời) được ở lại thêm hai năm so với chính sách cũ. Cụ thể, thời gian ở lại làm việc của sinh viên tăng từ 2 lên 4 năm với một số chương trình cử nhân; từ 3 lên 5 năm với một số chương trình thạc sĩ và từ 4 lên 6 năm với tất cả chương trình tiến sĩ. Ngoài ra, thời gian làm thêm của sinh viên cũng tăng từ 40 lên 48 giờ mỗi hai tuần.
Việt Nam hiện đứng thứ tư về số sinh viên quốc tế ở Australia, với hơn 22.300 người, theo thống kê đến tháng 11/2022 của Bộ Giáo dục nước này.
Anh Trần Phương, ở TP HCM, đang theo học chương trình thạc sĩ tâm lý ở thành phố Adelaide, nhìn nhận chính sách mới của Australia giúp du học sinh Việt có thêm thời gian trải nghiệm văn hóa, tích lũy kinh nghiệm làm việc ở môi trường quốc tế.
“Sau khi hết hạn visa, bạn có thể trở về hay xin việc ở một quốc gia khác, nhưng kinh nghiệm làm việc có được ở đây sẽ giúp bạn thích nghi tốt hơn”, anh Phương nói.
Với những sinh viên chưa tốt nghiệp, theo anh Phương, việc tăng thời gian làm thêm có thể giúp họ giảm áp lực kinh tế nếu có. Lương tối thiểu cho một giờ làm việc ở Australia hiện khoảng 19 AUD (300.000 đồng).
Nguyễn Gia Minh, 19 tuổi, sinh viên năm thứ nhất ngành Công nghệ máy tính, Đại học Quốc gia Australia, cho biết chính sách mới không thay đổi nhiều kế hoạch ban đầu nhưng giúp em có thêm quyết tâm. Qua tìm hiểu, Minh biết để xin được việc ở Australia mất khoảng 6 tháng. Với ngành của Minh, để thăng tiến, một kỹ sư phải mất chừng 3-5 năm.
“Em mong tận dụng được khoảng thời gian ở lại thêm để lên được các vị trí cao hơn trong công việc, tạo lợi thế khi về nước xin vào các tập đoàn đa quốc gia”, Minh nói.
Nguyễn Gia Minh trong chuyến leo núi Ainslie ở Canberra, Australia, tháng 10/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Anh Nick Dương, giám đốc điều hành công ty tư vấn du học, di trú và định cư Australia IEMC Group, nhận định, thời gian ở lại dài hơn sau khi tốt nghiệp giúp sinh viên quốc tế tăng cơ hội định cư tại Australia.
“Nếu chọn đúng ngành nghề, việc định cư sau khi tốt nghiệp là điều rất có khả năng”, anh nói, lý giải khi ở lại làm việc lâu, du học sinh sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm, am hiểu văn hóa, từ đó có thể tăng điểm cộng theo chính sách nhập cư của Australia.
Do đó, theo anh Nick Dương, du học sinh Việt nên tận dụng chính sách làm thêm 48 giờ trong hai tuần để tìm hiểu nhu cầu ở đây, cũng như trải nghiệm thực tế công việc để xác định hướng đi phù hợp.
Theo anh Phan Bá Thành Công, cố vấn giáo dục tại công ty AUG Study Network, trực thuộc tổ chức tư vấn du học AusED UniED Group, các du học sinh Việt có mong muốn định cư nên chọn những ngành nghề nằm trong danh sách ưu tiên của chính phủ Australia, cụ thể ở các lĩnh vực như Công nghệ thông tin – Kỹ thuật – Sức khoẻ – Giáo dục.
“Nếu muốn định cư, các bạn nên xác định đầu tư và tích lũy các điều kiện cần thiết để đạt mục tiêu, nếu không sẽ phải về nước hoặc đi đường vòng rất lâu”, anh Công chia sẻ.
Dù vậy, theo chuyên gia tuyển sinh người Việt của một đại học ở Nam Australia, du học sinh cũng không nên kỳ vọng quá nhiều về cơ hội định cư. Người này cho biết, dù thiếu lao động có kỹ năng nhưng chính sách định cư ở Australia, nhất là ở các thành phố lớn có nhiều điều khoản khắt khe. Do đó, nếu du học sinh đi du học Australia vì mục đích này thì cũng nên tính toán kỹ.
Bên cạnh cơ hội, nhiều sinh viên nhận định chính sách mới tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường việc làm ở Australia. Lâm Huy cho rằng yêu cầu của nhà tuyển dụng với các ứng viên sẽ cao hơn.
“Em xác định học tập nghiêm túc, nắm vững kiến thức chuyên ngành để tìm việc thuận lợi khi ra trường, tích lũy kinh nghiệm trước khi về nước”, Huy nói.
Lệ Thu – Bình Minh