Khoảng 5.200 trong số gần 9.560 doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ cắt giảm trên 5% lao động từ nay đến hết năm 2023.
Dự báo được Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) nêu trong báo cáo khảo sát khó khăn doanh nghiệp và triển vọng kinh tế cuối năm 2023 gửi Thủ tướng.
Trong gần 9.560 doanh nghiệp tham gia khảo sát cuối tháng 4 có 82% cho biết sẽ giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong nửa năm còn lại. Hơn 7.300 doanh nghiệp cho biết vẫn hoạt động song 71% số này có kế hoạch cắt giảm lao động (khoảng 5.200 công ty), nhiều nhất ở hai lĩnh vực xây dựng và công nghiệp. Doanh nghiệp cắt giảm phần lớn là ngoài nhà nước và một nửa trong số này hoạt động tại TP HCM, Bình Dương. Doanh nghiệp cho biết thách thức lớn nhất đang phải đối mặt là đơn hàng.
Theo Ban IV, có thể làn sóng sa thải người lao động tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do khó khăn vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp. Cùng với cắt giảm nhân lực, gần 30% doanh nghiệp cho biết sẽ giảm một nửa doanh thu, chỉ khoảng 2,5% đơn vị có chiều hướng tăng.
Đánh giá khó khăn một phần do nội tại, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ ngoài việc bơm tiền cho nền kinh tế cần tăng đầu tư để cải thiện chất lượng giáo dục đại học theo hướng hiện đại. Đào tạo nghề cần linh hoạt và gắn thực tiễn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động.
Doanh nghiệp cũng muốn giảm chi phí lao động thông qua giảm tiền đóng bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn hoặc xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp thực tế. Cuối tháng 4, tám hiệp hội doanh nghiệp đã đề xuất giảm tỷ lệ đóng Quỹ Hưu trí tử tuất từ 22% xuống 16-20%, nhưng nâng nền tiền đóng lên 70-90% để sát thu nhập thực tế của lao động.
Về tiếp cận nguồn vốn vay, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ giảm mạnh lãi suất vay cho thuê, mua nhà ở xã hội để số đông công nhân, lao động có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Trong quá trình lao động vay vốn, nhà nước xem xét cơ chế để doanh nghiệp tham gia bảo lãnh cho họ thay vì phải trải qua quy trình xét duyệt phức tạp theo diện “chính sách” như hiện nay.
Ban IV cũng ghi nhận mong muốn cơ quan nhà nước hạn chế thanh kiểm tra doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; chỉ kiểm tra không quá một lần trong năm, không ban hành thêm văn bản mới, tạo thêm gánh nặng thuế, phí, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Công nhân Pouyuen (TP HCM) sau giờ tan ca, tháng 6/2021. Ảnh: Như Quỳnh
Kết quả khảo sát trùng với dự báo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong báo cáo gửi Chính phủ hồi giữa tháng 5, về làn sóng cắt giảm lao động số lượng lớn thời gian tới nếu tình trạng lạm phát lẫn khó khăn kinh tế không được cải thiện.
Như vậy, việc cắt giảm lao động có thể kéo dài tới tận cuối năm 2023 thay vì đến hết tháng 6 như nhiều dự báo trước đó. Tình trạng này diễn ra từ giữa năm 2022, khi hàng loạt doanh nghiệp trong nước mất đơn hàng dịp cuối năm vì các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản giảm nhu cầu tiêu dùng; khó khăn nguyên liệu, chi phí tăng cao.
Tình trạng cắt giảm chủ yếu xảy ra ở doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ, thủy hải sản, gia công linh kiện điện tử, cơ khí. Đơn cử, từ đầu năm tới 8/7 (dự kiến), Công ty Pouyuen – doanh nghiệp nhiều lao động nhất TP HCM sẽ có hai lần cắt giảm công nhân quy mô lớn – hơn 8.000 người. Phần lớn lao động cắt giảm có trình độ phổ thông, là nữ và hơn 50% trên 40 tuổi. Lý do doanh nghiệp này đưa ra là “sản xuất bị thu hẹp, thiếu đơn hàng”.
Riêng quý I/2023, hơn 149.000 lao động trên cả nước mất việc do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, tăng gần 13% so với quý trước, phần lớn là lao động doanh nghiệp FDI ở các tỉnh đông khu công nghiệp, chế xuất như Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Hồng Chiêu