Sau 15 năm chưa thể triển khai xây dựng, Dự án Khu đô thị Đại học quốc tế Việt Nam tại huyện Hóc Môn (TP.HCM) đang có chuyển biến mới, có thể “hồi sinh” trong thời gian tới.
Phối cảnh Khu đô thị Đại học quốc tế Việt Nam tại huyện Hóc Môn, TP.HCM.
Tăng vốn thêm 3.000 tỉ đồng
Từng được kỳ vọng là trung tâm đào tạo đại học hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, nhưng sau 15 năm được cấp phép, Dự án Khu đô thị Đại học quốc tế Việt Nam vẫn là bãi đất hoang.
Dự án do Công ty TNHH Đô thị Đại học quốc tế Berjaya Việt Nam (Công ty Berjaya Việt Nam) làm chủ đầu tư, được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 1/7/2008, với diện tích 880 ha, tổng vốn đầu tư tại thời điểm đó là 3,5 tỉ USD (tương đương 56.000 tỉ đồng).
Nhà đầu tư lập tiến độ xây dựng và hoàn thiện dự án trong vòng 10 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Mục tiêu là phát triển một khu đô thị – đại học quốc tế trong Khu đô thị Tây Bắc TP.HCM, bao gồm khu giáo dục (các trường học từ cấp tiểu học đến đại học); khu dân cư; khu thương mại – dịch vụ; khu giải trí, y tế, thể thao; khu công viên; công viên công nghệ thông tin.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty Berjaya Việt Nam đã tiến hành các thủ tục trình cơ quan nhà nước phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân để lấy đất làm dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến chậm tiến độ.
Do dự án bị chậm tiến độ nhiều năm, UBND TP.HCM đã giao các sở, ngành tham mưu làm rõ khả năng dự án có tiếp tục thực hiện hay không để xem xét thu hồi giấy phép đầu tư. Sau đó, nhà đầu tư đã cung cấp tài liệu chứng minh năng lực tài chính có thể tiếp tục thực hiện dự án, đồng thời nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh tiến độ dự án.
Ngày 24/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2197/QĐ-TTg điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị Đại học quốc tế của Công ty Berjaya Việt Nam. Tại quyết định này, Chính phủ đồng ý về tổng vốn đầu tư của Dự án là 59.000 tỉ đồng; thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh. Chính phủ cũng giao UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho nhà đầu tư.
Đến tháng 5/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh đối với Dự án Khu đô thị Đại học quốc tế của Công ty Berjaya Việt Nam. Trong giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, tổng mức đầu tư tăng thêm 3.000 tỉ đồng lên 59.000 tỉ đồng so với giấy phép đầu tư cấp năm 2008. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Dù giấy phép đầu tư mới đã điều chỉnh số vốn đầu tư và thời gian hoạt động, nhưng lại không có thông tin cụ thể về tiến độ dự án. Trong giấy phép đầu tư chỉ nêu rằng: “Tiến độ thực hiện dự án đầu tư sẽ được cập nhật sau khi làm rõ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quá trình xử lý đề nghị của nhà đầu tư trong việc điều chỉnh nội dung này”.
Khó khăn vẫn còn nhiều
Chính vì tiến độ của Dự án chưa được nêu cụ thể trong quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, nên nhà đầu tư gặp nhiều vướng mắc trong việc triển khai các bước tiếp theo.
Trong văn bản do Phó tổng giám đốc Công ty Berjaya Việt Nam, ông Nguyễn Hạnh Phúc ký gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM vào tháng 2/2023, đã nêu ra một số vướng mắc trong quá trình thực hiện các bước tiếp theo của dự án.
Đầu tiên là việc chủ đầu tư dự án phải thực hiện thủ tục ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 43, Luật Đầu tư năm 2020. Tuy nhiên, do các văn bản pháp lý chưa có tiến độ thực hiện dự án, nên doanh nghiệp không thể thực hiện ký quỹ bảo đảm theo quy định. Ngoài ra, việc ký quỹ còn là điều kiện để nhà đầu tư thực hiện thủ tục về giao đất theo quy định tại điểm c, Khoản 3, Điều 58, Luật Đất đai.
Cần phải nói thêm rằng, trong báo cáo thẩm định dự án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào năm 2021 đã đề xuất tiến độ hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư là 36 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh. Đồng thời, hoàn thành toàn bộ việc đầu tư xây dựng dự án trong vòng 120 tháng kể từ khi hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (bao gồm cả thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư dự án). Tuy nhiên, trong quyết định điều chỉnh dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lại không có nội dung tiến độ của dự án.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, việc không có nội dung điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án như kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gây ra khó khăn cho cả cơ quan nhà nước và Công ty Berjaya Việt Nam khi triển khai dự án. Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư không có cơ sở để điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Các cơ quan của Thành phố không có cơ sở để xác định tiến độ đầu tư dự án, khó cho công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện. Công ty Berjaya Việt Nam cũng không có cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo.
Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh tiến độ đầu tư Dự án Khu đô thị Đại học quốc tế hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư trong 36 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh.
Đồng thời, hoàn thành toàn bộ việc đầu tư xây dựng dự án trong vòng 120 tháng kể từ khi hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (bao gồm cả thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư dự án).