“Tôi đang công tác tại một phòng khám tư nhân với hợp đồng 3 năm. Làm việc được 5 tháng thì công ty thông báo dừng công việc với tôi vì giải thể phòng khám tôi đang phụ trách. Điều đáng nói là công ty yêu cầu tôi phải làm việc khác tại công ty 60 ngày đến khi tôi tìm được việc mới mà không chịu hỗ trợ bất kỳ khoản phí nào cho tôi. Tôi rất bức xúc, điều này có đúng quy định không? Vậy tôi có thể gửi đơn khiếu nại hay khởi kiện để đòi lại công bằng cho mình?”, chị Lâm Quỳnh gửi thắc mắc nhờ Báo Thanh Niên tư vấn.
Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định về việc chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động
Luật sư tư vấn
Với trường hợp này, luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), cho biết sẽ theo quy định tại điều 29 bộ luật Lao động năm 2019 về chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
Cụ thể, khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm.
Trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.
Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng.
Người sử dụng lao động cần phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 3 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới.
Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc.
Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Tại điều 29 của bộ luật nêu trên cũng quy định, trường hợp người lao động không đồng ý mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định.
Cụ thể, trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Như vậy, theo luật sư Trương Văn Tuấn, với trường hợp chị Lâm Quỳnh thắc mắc, nếu công ty yêu cầu làm công việc khác so với hợp đồng lao động không quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm thì đúng quy định.
Nếu công ty yêu cầu người lao động làm quá 60 ngày cộng dồn trong 1 năm mà người lao động không đồng ý và ngừng việc thì công ty phải trả lương ngừng việc cho người lao động.
Nếu công ty không thực hiện đúng các quy định trên thì người lao động có quyền khởi kiện.