Quảng Trị vừa phê duyệt đề án định hướng thu hút đầu tư vào tỉnh giai đoạn 2023 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án này đã đề ra những giải pháp đảm bảo thu hút và quản lý vốn đầu tư trong và ngoài nước, với dự kiến thu hút đầu tư khoảng 110.000–130.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2023 – 2025.
Sáu năm thu hút 358 dự án quy mô 211.042 tỉ đồng
Thời gian gần đây, Quảng Trị nổi lên là địa phương nhận được nhiều quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn ở trong và ngoài nước.
Thống kê từ UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2021, tỉnh này đã thu hút được 358 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 211.042 tỉ đồng. Trong số 358 dự án nêu trên có 7 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 56.648 tỉ đồng.
Cũng trong giai đoạn nói trên, tỉnh Quảng Trị thu hút 72 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đăng ký đầu tư là 151.268 tỉ đồng.
UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, trong giai đoạn này, các dự án ngoài các khu kinh tế, khu công nghiệp vẫn chiếm phần lớn trong tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh nhưng quy mô, mức vốn đầu tư không lớn do phần lớn là các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ du lịch.
Trong khi đó, các dự án đầu tư vào các Khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, có quy mô và tổng vốn đầu tư lớn.
Cũng theo UBND tỉnh Quảng Trị, các dự án đầu tư thu hút được phần lớn tập trung vào ngành công nghiệp – xây dựng với 83,44%, đứng thứ hai là ngành thương mại, dịch vụ với 14,93% và ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 1,12%, y tế và giáo dục với 0,51%.
Trong giai đoạn 2016 – 2021, Quảng Trị đã tiếp nhiều nhà đầu tư có tầm chiến lược về phát triển, có năng lực về tài chính đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh như Tập đoàn Sembcrop (Singapore); Tổng Công ty Becamex Bình Dương IDC; Tập đoàn Lenzing (Áo); Công ty TNHH C&N Vina (Hàn Quốc); Tập đoàn điện khí Thượng Hải; Tập đoàn điện khí Hàn Quốc; Công ty TNHH Thái Việt Swine Line; Tập đoàn Subur Tiasa (Malaysia); Liên đoàn sản xuất Singapore (SMF); Tập đoàn Gazprom (Liên Bang Nga);…
Một số dự án đã được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai thực hiện hứa hẹn nhiều triển vọng về sự đầu tư và phát triển của tỉnh Quảng Trị.
Đơn cử như, dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng quy mô 53.667 tỉ đồng; dự án khu công nghiệp Quảng Trị của Liên danh nhà đầu tư VSIP – Amata – Sumitomo quy mô 2.074 tỉ đồng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú của Công ty cổ phần Trung Khởi quy mô 4.533 tỉ đồng;…
Đón dòng vốn đầu tư
Nhận định rõ về những điểm mạnh và các cơ hội đầu tư, Quảng Trị đã đề ra các giải pháp đảm bảo thu hút đầu tư giai đoạn 2023 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, điểm mạnh của tỉnh là môi trường và cảnh quan còn khá nguyên sơ, quỹ đất phát triển tương đối dồi dào và thuận lợi cho sự phát triển các ngành kinh tế tiềm năng như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Quảng Trị còn có đường bờ biển dài 75km, ngoài khơi có đảo Cồn Cỏ với ngư trường rộng lớn, nguồn hải sản phong phú; có các cửa biển, cảng cá, cảng hàng hóa có địa thế phát triển cảng nước sâu, ngành khai thác khí đốt cho phép phát triển tổng hợp kinh tế biển.
Chưa hết, tỉnh còn có tiềm năng phát triển một số loại hình du lịch mang tính đặc thù riêng như du lịch quá cảnh mua sắm, nghỉ dưỡng, tắm khoáng nóng,…
Trong giai đoạn tới có rất nhiều cơ hội để đầu tư vào Quảng Trị như Khu kinh tế Đông Nam, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, Khu kinh tế Cửa khẩu La Lay. Song song với đó, tỉnh còn có bốn khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang, Tây Bắc Hồ Xá và Khu công nghiệp Quảng Trị.
Đây là những lợi thế quan trọng tạo tiền đề để Quảng Trị thu hút những nhà đầu tư lớn và tiềm năng.
Tại Quảng Trị còn có dự án Cảng hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Quyết định số 2148/QĐ-TTg ngày 20/12/2021. Đây là một trong những cảng hàng không quan trọng được đánh giá đứng thứ 24/48 cảng hàng không đã được đưa vào quy hoạch.
Đặc biệt, cơ hội đầu tư vào Quảng Trị còn đến từ việc Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung tuyến đường nối cửa khẩu quốc tế La Lay đến cảng Mỹ Thủy vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030,…
Từ những tiềm năng thế mạnh sẵn có cùng với những cơ hội nổi bật, tỉnh Quảng Trị dự báo giai đoạn 2023 – 2025 thu hút khoảng 110.000 -130.000 tỉ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 25.000-35.000 tỉ đồng.
Giai đoạn 2026 – 2030, dự báo thu hút khoảng 162.000-216.000 tỉ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 43.200–54.000 tỉ đồng.
Để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, tỉnh Quảng Trị đã đề ra hàng loạt giải pháp có liên quan như tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị vào cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính; nhóm giải pháp về quy hoạch, cơ chế, chính sách; tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; nhóm giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng; nhóm giải pháp về hỗ trợ nhà đầu tư;…
Những dự án ưu tiên thu hút đầu tư
Trong giai đoạn 2023 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị ưu tiên thu hút đầu tư 4 dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp điện – năng lượng; 14 dự án sản xuất, chế biến nông nghiệp; 14 dự án sản xuất, chế biến công nghiệp; 22 dự án cơ sở hạ tầng; 30 dự án dịch vụ – giáo dục – y tế và du lịch.
Một số dự án có thể kể đến như, nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời quy mô 20.000 tỉ đồng; dự án kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo quy mô từ 2.300 – 2.760 tỉ đồng; dự án quốc lộ 15D quy mô 2.700 tỉ đồng; khu đô thị phía Đông thành phố Đông Hà quy mô 890,1 tỉ đồng; dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn từ Vạn Ninh (Quảng Bình) đến Cam Lộ (Quảng Trị) quy mô 9.564 tỉ đồng;…
Trên lĩnh vực dịch vụ – giáo dục – y tế và du lịch, Quảng Trị ưu tiên thu hút đầu tư các dự án như, sân gôn tại Khu kinh tế Đông Nam quy mô từ 115 – 690 tỉ đồng; khu dịch vụ – du lịch Vĩnh Thái quy mô 3.243 tỉ đồng; cơ sở hạ tầng du lịch đảo Cồn Cỏ quy mô 1.150 tỉ đồng; khu dịch vụ – du lịch sinh thái biển Mỹ Thủy quy mô 1.150 tỉ đồng; khu dịch vụ du lịch dọc tuyến đường ven biển Cửa Tùng – Cửa Việt – Vĩnh Mốc quy mô 3.910 tỉ đồng;…