S&P Global Market Intelligence cho biết, các nền kinh tế thị trường mới nổi lớn của châu Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023, chủ yếu nhờ sự phục hồi kinh tế dần dần ở Trung Quốc đại lục do việc nới lỏng các hạn chế liên quan tới dịch Covid-19
Trong một báo cáo, nhà cung cấp dịch vụ phân tích và thông tin thị trường tài chính toàn cầu S&P Global Market Intelligence cho biết các thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh của Trung Quốc đại lục, Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ cung cấp một động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế thế giới.
Khi nhu cầu trong nước tăng lên đến năm 2023, tăng trưởng GDP thực tế ở Trung Quốc được dự báo sẽ phục hồi từ 3% trong năm 2022 lên 5,2% vào năm 2023, trong khi tăng trưởng chung của khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ đóng góp 58% vào tổng mức tăng GDP của thế giới từ năm 2021 đến năm 2031.
Tại UAE, các điều kiện được đặt ra để nền kinh tế phi dầu mỏ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ vào năm 2023. “Sự phục hồi của ngành du lịch quốc tế và giá bất động sản tăng báo hiệu rằng sự phục hồi sẽ tiếp tục vào năm 2023. Nền kinh tế phi dầu mỏ chiếm 75% của nền kinh tế UAE”, báo cáo cho biết.
Báo cáo của S&P cũng chỉ ra thêm rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ đáng kể của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào năm 2022 và đầu năm 2023 sẽ dẫn đến tình trạng tăng trưởng chậm lại ở nước này vào năm 2023.
Cũng theo dữ liệu từ báo cáo của S&P Global Intelligence, tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ được dự báo sẽ chậm lại từ mức 2,1% vào năm 2022 xuống chỉ còn 0,7% vào năm 2023.
Lãi suất chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ được dự báo nằm trong phạm vi mục tiêu từ 4,50% đến 4,75%, mức cao nhất trong 15 năm. Đáng chú ý, nó đã gần bằng 0 vào đầu năm 2022.
Mới nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng đã thông qua việc tăng lãi suất 1/4 điểm trong cuộc họp từ ngày 31/1 đến ngày 1/2 vừa qua, với mục đích cụ thể là để kiềm chế lạm phát.
Trong khi đó, lạm phát tiêu dùng ở Mỹ đã giảm xuống 6,4% trong tháng 1 từ mức 6,5% trong tháng 12/2022 và 7,1% của tháng trước đó, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%.
Trước đó, trong ngày 22/2, Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, cho biết nền kinh tế Ấn Độ sẽ đóng góp 15% vào tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, khi nước này tiếp tục duy trì là một “điểm sáng” tương đối trong nền kinh tế thế giới.
Trong năm nay, IMF kỳ vọng Ấn Độ sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao, ở mức 6,8% cho năm tài chính kết thúc vào tháng Ba. Bà Georgieva cũng cho biết vào thời điểm IMF đưa ra dự báo năm nay sẽ tiếp tục là một năm khó khăn với tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại từ 3,4% trong năm 2022 xuống 2,9% trong năm 2023, Ấn Độ vẫn là một “điểm sáng” hiếm hoi trên thị trường quốc tế.