(Dân sinh) – Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai nhận định: “Trong thời gian tới Đồng Nai sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn và giới thiệu để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài”.
Chiều ngày 9/3, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) có buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai về tình hình lao động đi làm việc ở nước ngoài và công tác giải quyết việc làm cho lao động ở nước ngoài khi trở về địa phương.
Tham gia đoàn công tác có ông Đặng Huy Hồng – Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước; ông Phạm Anh Thắng – Phó Chánh VP Bộ, Trưởng Đại diện VP Bộ tại TP.HCM…
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai có nhiều khu công nghiệp và doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng lao động cao, bên cạnh đó, đa số người lao động đều có nhu cầu tìm việc làm tại địa phương nên thời gian qua số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài còn thấp.
Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH làm việc với lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai.
Theo bà Hiền, thời gian qua, công tác thông tin tuyên truyền về các chế độ, chính sách và hỗ trợ vay vốn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.
Vì vậy, người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ thì không biết, không có nhu cầu, còn người lao động không thuộc đối tượng hỗ trợ lại gặp khó khăn về vấn đề vay vốn. Đồng thời người lao động còn e ngại, lo sợ khi tham gia đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài.
Do đó, trong năm qua (2022), tỉnh Đồng Nai chỉ có 332 lượt người lao động đi xuất khẩu lao động ở các nước như: Nhật Bản, Hàn quốc, Trung Quốc, Đài Loan…
“Để nâng cao tay nghề và chất lượng lao động, năm nay Sở sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn và giới thiệu để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài”, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nêu định hướng.
Giá đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết thêm, thời gian qua số lao động hết hạn trở về nước không đăng ký với cơ quan quản lý lao động nên hiện nay địa phương chưa thực hiện được công tác theo dõi, quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước và tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận được các chương trình, chính sách của Nhà nước và địa phương trong việc tìm kiếm việc làm mới.
Qua buổi làm việc, ông Đặng Huy Hồng – Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước đề xuất sẽ phối hợp với Sở để triển khai chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (Chương trình EPS).
Song song đó, Trung tâm sẽ triển khai các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH) để giới thiệu và hỗ trợ trực tiếp cho những lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài…
“Chương trình EPS năm 2023 tuyển chọn: Ngành sản xuất chế tạo 6.344 người; ngành xây dựng 901 người; ngành nông nghiệp 841 người; ngành ngư nghiệp 4.035 người. Để tham gia đánh giá năng lực, người lao động cần có kinh nghiệm làm việc, tốt nghiệp các ngành liên quan đến lĩnh vực đã đăng ký, có chứng chỉ nghề quốc gia”, ông Đặng Huy Hồng thông tin thêm.
Theo lịch trình công tác, sáng ngày 10/3, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ đến làm việc với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương.
Thực hiện nội dung Bản ghi nhớ giữa Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc và Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam về việc phái cử và tiếp nhận người lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, năm 2023 kỳ thi được tổ chức 2 vòng:
Vòng 1: Thi năng lực tiếng Hàn (EPS – TOPIK)
Vòng 2: Kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực.
Chỉ những người đạt yêu cầu qua Vòng 1 mới được tham dự Vòng 2.
Người lao động đạt yêu cầu qua cả 2 vòng thi mới đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.