Tổng cục Hải quan ghi nhận trong 4 tháng đầu năm 2023 tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 144,02 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp này là 79,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 73,8% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Hình minh họa
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 206,76 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá xuất khẩu đạt 107,16 tỷ USD, giảm 13% và trị giá nhập khẩu là 99,6 tỷ USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,56 tỷ USD cao hơn 5,3 tỷ USD so với mức thặng dư 2,25 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI trong 4 tháng năm 2023 là 144,02 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI đạt 79,10 tỷ USD, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng tới 73,8% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 64,92 tỷ USD, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 65,2% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong 4 tháng năm 2023 lên mức thặng dư là 14,19 tỷ USD.
Về thị trường xuất nhập khẩu, trong 4 tháng năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Á là 134,44 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn nhất 65% trong tất cả các châu lục và giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp theo là châu Mỹ với 41,61 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 20,1%, giảm 18,6%; châu Âu là 23,23 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 11,2%, giảm 11,9%; châu Đại Dương với 5,14 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 2,5%, giảm 5,7%; châu Phi với 2,34 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1,1%, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu của Việt Nam suy giảm là do các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da – giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.
Ngoài ra, giá của nhiều mặt nông sản giảm; giá xuất khẩu dầu thô, sản phẩm xăng dầu, các loại quặng, phân bón, sắt thép cũng giảm đã tác động đến tốc độ tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nói chung.
Tuy nhiên, Bộ này cũng cho biết trong thời gian tới vẫn có những dấu hiệu tích cực như một số khu vực kinh tế lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ tăng trưởng cao hơn dự báo; một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á như Ấn Độ, ASEAN tăng trưởng khả quan.
Đồng thời, các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động sản xuất; Chỉ số sản xuất công nghiệp xu hướng tăng dần qua các tháng; nhập khẩu nguyên phụ liệu có dấu hiệu tăng…