Chứng khoán SSI dự báo lợi nhuận ròng của “ông lớn” ngành thép Hòa Phát sẽ được cải thiện đáng kể, ước đạt 9.700 tỉ đồng trong năm 2023 nhờ giá thép ổn định sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại và tác động của hàng tồn kho giá cao sẽ ít hơn năm trước.
Khó khăn đã qua
Không lâu sau khi Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) công bố kết quả kinh doanh quý 4.2022 với khoản lỗ ròng gần 2000 tỉ đồng, nhiều đơn vị phân tích đã đưa ra dự báo kết quả lợi nhuận năm 2023 của nhà sản xuất thép này.
Hòa Phát của tỉ phú Trần Đình Long có thể “bỏ túi” hàng nghìn tỉ trong năm 2023
Cụ thể, trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán SSI cho biết sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và các sản phẩm thép khác của Hòa Phát đã giảm mạnh trong tháng 1.2023. Tuy nhiên, SSI cho rằng mức giảm này là không quá lớn do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài rơi vào tháng 1, trong khi năm ngoái rơi vào tháng 2.
Tuy nhiên, sản lượng HRC sụt tới 62% xuống còn 86.000 tấn, sản lượng phôi thép cũng lao dốc 50% còn 21.000 tấn. Sản lượng sản xuất trong tháng 1 không đổi so với tháng trước ở mức 392.000 tấn, tương đương với công suất hoạt động ước tính 55%.
Đáng chú ý, sản lượng tiêu thụ thép cuộn cán nóng HRC trong tháng vẫn ghi nhận sụt giảm tới 62%, xuống còn 86.000 tấn. Sản lượng phôi thép cũng lao dốc 50% còn 21.000 tấn. Căn cứ trên sản lượng tiêu thụ, hiệu suất hoạt động của các lò cao của Hòa Phát cũng chỉ đạt gần 55% trong tháng 1 vừa qua.
SSI cho biết, nhà sản xuất này đã khởi động lại 1 lò cao tại Khu Liên hợp Hải Dương vào tháng 12.2022 và đang xem xét kế hoạch khởi động lại 3 lò cao khác trong nửa đầu năm 2023. Nếu công suất được cải thiện, tỷ trọng chi phí cố định trong giá thành sẽ hạ xuống và lợi nhuận có thể khả quan hơn.
Trước đó, Hòa Phát đã phải tạm thời đóng 4 lò cao hồi tháng 11.2022 do nhu cầu tiêu thụ yếu, tồn kho cao. Việc hoạt động dưới công suất đã ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh, góp phần khiến cho Hòa Phát lỗ ròng quý thứ 2 liên tiếp và lỗ gộp lần đầu tiên kể từ quý 4.2008.
Theo SSI, giá thép xây dựng trung bình đã phục hồi khoảng 1,2 triệu đồng/tấn, tương đương 8% trong 3 tháng qua. Tuy nhiên, đơn vị này cho rẳng mức tăng giá thép thành phẩm trong nước như vậy là thấp so với mức tăng 20% của giá thép Trung Quốc hay mức tăng trung bình 25% của giá quặng sắt và than cốc.
Mặt khác, giá thép HRC thường có mối tương quan cao hơn với giá trong khu vực, đã tăng hơn 20% trong 2 tháng qua. Tuy nhiên, nhu cầu mặt hàng này vẫn còn yếu khi giảm khoảng 30% mỗi tháng trong 3 tháng liên tiếp vừa qua, nguyên nhân là nhu cầu thấp đối với các sản phẩm hạ nguồn, đặc biệt là tôn mạ.
Có thể thoát lỗ trong quý đầu năm
Tại quý 4.2022, Hòa Phát ghi nhận doanh thu đạt 26.000 tỉ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước, với lỗ ròng gần 2.000 tỉ đồng. Con số này cao hơn mức lỗ gần 1.800 tỉ đồng trong quý 3 – quý đầu tiên Hòa Phát báo lỗ sau 13 năm.
Kết quả kém khả quan như vậy là do công suất sử dụng ở mức thấp trong lịch sử của các lò cao là 70% trong quý 4.2022 so với 100% trong cùng kỳ năm 2021, dẫn đến chi phí cố định trên mỗi đơn vị sản xuất cao hơn. Ngoài ra, hàng tồn kho giá cao làm tăng giá vốn, và trích lập dự phòng hàng tồn kho tăng mạnh mặc dù giá thép và nguyên vật liệu phục hồi.
Theo đó, Hòa Phát đã chủ động cắt giảm sản xuất, giúp hàng tồn kho giảm 22.600 tỉ đồng (40%) trong 6 tháng qua, xuống còn 35.700 tỉ đồng – tương đương với khoảng 4 tháng tồn kho. Điều này giúp công ty giảm tổng dư nợ 12.100 tỉ đồng (17%) trong 6 tháng qua, với số dư nợ theo đồng USD giảm 600 triệu USD (tương đương 14.000 tỉ đồng) xuống còn 700 triệu USD trong năm 2022.
Chứng khoán SSI dự báo lợi nhuận ròng của “ông lớn” ngành thép Hòa Phát sẽ được cải thiện đáng kể, ước đạt 9.700 tỉ đồng trong năm 2023
Thời gian tới, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp ổn định giá thép nhưng điều này có thể không có tác động đáng kể đến sản lượng xuất khẩu của Hòa Phát do giá thép trung bình của Việt Nam vẫn cao hơn so với giá thép Trung Quốc.
Chứng khoán SSI ước tính sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát trong năm nay sẽ giảm 4,7% so với năm trước và đạt 4,1 triệu tấn do sự chững lại của thị trường bất động sản và kinh tế vĩ mô. Sản lượng HRC có thể giảm 12% còn 2,3 triệu tấn so với mức đỉnh trong năm 2022.
Bên cạnh đó, sản lượng phôi thép được SSI dự báo đạt 240.000 tấn, giảm 17%. Sản lượng thép thô dự kiến đạt 6,6 triệu tấn, giảm 8,3% so với mức tiêu thụ của năm vừa qua. Công suất hoạt động của năm 2023 được dự báo đạt 76%, trong khi con số của cả năm 2022 là 85%.
Trong bối cảnh thị trường và hoạt động kinh doanh hiện tại, SSI dự báo doanh thu năm 2023 của Hòa Phát sẽ giảm 14% còn 121.000 tỉ đồng do cả sản lượng tiêu thụ và giá bán cho khách hàng đều giảm. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng ước tính sẽ phục hồi 15% so với cùng kỳ và đạt 9.700 tỉ đồng nhờ giá thép ổn định hơn và giảm ảnh hưởng từ hàng tồn kho giá cao.
SSI cho rằng, Hòa Phát đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, giá cổ phiếu HPG có thể đã phản ánh sự phục hồi lợi nhuận trong năm 2023 và có thể sẽ phải đối mặt với áp lực chốt lời ngắn hạn do triển vọng lợi nhuận vẫn còn yếu trong nửa đầu năm.
Theo các chuyên gia SSI, cổ phiếu HPG hiện giao dịch ở mức khá hợp lý sau khi tính đến sự phục hồi của tỷ suất lợi nhuận trong năm 2023. Do đó, SSI duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu HPG cùng giá mục tiêu 1 năm là 20.000 đồng/cổ phiếu. Yếu tố hỗ trợ tăng/giảm giá đối với cổ phiếu này giá thép thấp và giá nguyên vật liệu đầu vào cao hơn dự kiến.