Kiến thức, kỹ năng và thái độ
Ngày 6/6, cụm thi đua số 8 của khối trường giáo dục nghề nghiệp TPHCM tổ chức tọa đàm chuyên đề “Đào tạo giáo dục nghề nghiệp và hướng nghiệp trong thời đại 4.0” tại trường Trung cấp Việt Giao.
Tại hội nghị, đại biểu các trường trung cấp đều cho biết tuyển sinh hệ trung cấp đang gặp rất nhiều khó khăn từ sự cạnh tranh của hệ cao đẳng, đặc biệt là hệ đại học.
Theo các đại biểu, thời gian gần đây, học nghề đã được nhiều học sinh và phụ huynh lựa chọn nhưng tâm lý ưu chuộng bằng cấp vẫn còn rất nặng nề, ai cũng mong con em mình vào đại học, trở thành cử nhân.
Thạc sĩ Lê Thị Bích Thảo – Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Đại Việt (TPHCM) chia sẻ: “Trước kia, phụ huynh có quan điểm cho rằng học sinh học chưa tốt thì mới đi học nghề. Nhưng nhiều phụ huynh hiện nay đã nhận ra vào đại học không phải là con đường duy nhất. Học sinh giỏi vẫn chọn lựa trường nghề một cách rất bình thường”.
Theo bà Bích Thảo, tư tưởng của phụ huynh đã thoáng hơn nhưng chưa cởi mở hoàn toàn, vẫn nặng nề bằng cấp.
Tuy nhiên, bà Bích Thảo cũng thừa nhận là so sánh với hệ cao đẳng và đại học, hệ trung cấp vẫn còn “lép vế”, tư tưởng của phụ huynh đã thoáng hơn nhưng chưa cởi mở hoàn toàn, vẫn nặng nề bằng cấp.
Đứng dưới góc độ của một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp nhân sự cho các đối tác, bà Đoàn Thị Tường Vy, Giám đốc vận hành công ty JOD Việt Nam, khẳng định doanh nghiệp luôn luôn cần lao động chất lượng cao. Nhưng chất lượng cao ở đây không chỉ là có bằng cấp cao.
Giám đốc vận hành công ty JOD Việt Nam nhấn mạnh: “Mọi thứ đều sẽ trở thành vô nghĩa nếu làm việc không hiệu quả. Nhân sự biết việc, làm được việc và có thái độ làm việc tốt là lựa chọn đầu tiên của doanh nghiệp”.
Bà Tường Vy cho rằng, yếu tố quan trọng nhất của một lao động là biết làm việc và có thái độ làm việc tốt.
Theo bà Tường Vy, có 3 tố chất quan trọng để đánh giá năng lực nhân sự khi tuyển dụng là kiến thức chuyên môn, kỹ năng lao động và thái độ làm việc. Từ việc đánh giá 3 tố chất trên, doanh nghiệp sẽ cân nhắc lựa chọn tuyển dụng nhân sự chứ không phải xem xét trên tấm bằng đại học hay trung cấp.
Thạc sĩ Phan Văn Giang, Phó Viện trưởng Viện đào tạo trực tuyến (Đại học Hoa Sen) cũng đồng tình: “Ngay từ trên ghế nhà trường, ngoài kiến thức chuyên môn thì cần trang bị cho các em sinh viên kỹ năng sống, trải nghiệm và nhất là thái độ làm việc để giúp các em hội nhập nhanh sau khi ra trường”.
Trường nghề phải chuyển dịch theo thời đại 4.0
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, khẳng định học cấp bậc nào cũng là học kỹ năng để làm việc, những người học giỏi kỹ năng và ra trường làm việc hiệu quả thì dù cấp bậc nào cũng chắc chắn không lo thất nghiệp.
Lãnh đạo các trường nghề cụm thi đua số 8 tham dự hội nghị.
Theo ông Trần Anh Tuấn, mỗi người sẽ tự quyết định lựa chọn ngành học, bậc học, trường học phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân và tài chính của gia đình. Công tác quan trọng nhất của giáo dục nghề nghiệp hay đại học đều là phải đào tạo ra những lao động có tay nghề, biết làm việc.
Do đó, ông Tuấn cho rằng yêu cầu sống còn hiện nay của hệ thống giáo dục nghề nghiệp là phải chuyển động theo xu thế toàn cầu, nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào giảng dạy.
Hơn nữa, cần điều chỉnh giáo trình ngành nghề mà mình đang đào tạo cho phù hợp với thực tiễn sản xuất, nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp. Từ đó, đào tạo ra những nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng phù hợp và làm việc hiệu quả. Như vậy mới không bị xã hội đào thải.
Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho rằng: “Xu thế hiện nay là kết nối toàn cầu, thế hệ trẻ sẽ trở thành công dân toàn cầu, đào tạo lao động cũng phải hướng đến xu thế này. Kinh tế toàn cầu đòi hỏi những nhân lực có chất lượng cao, bất kể ở hệ giáo dục nào, trung cấp hay, đại học, cao đẳng”.
Tổng kết hội nghị, thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng trường Trung cấp Việt Giao, khẳng định: “Trường Trung cấp không chỉ là nơi đào tạo mà còn là nghiên cứu đổi mới sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tiễn, mang giá trị cho xã hội”.
Theo ông Trần Phương, nhà trường phải kết hợp với các doanh nghiệp và thị trường lao động để trở thành một hệ sinh thái giáo dục.
Theo ông Trần Phương, mục tiêu đào tạo nghề không chỉ giúp phát huy năng lực của học viên, sinh viên mà còn là những kỹ năng phát triển và tự phát triển bản thân. Người học sau khi tốt nghiệp phải có tư duy sáng tạo nhạy bén, dễ dàng tiếp cận với những kỹ thuật hiện đại cũng như đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cao của xã hội.
Do đó, nhà trường không thể đóng khung trong các bức tường của giảng đường, lớp học hay phòng thực hành, mà phải mở rộng ra bên ngoài, kết hợp với các doanh nghiệp và thị trường lao động để trở thành một hệ sinh thái giáo dục.
Ông Trần Phương nhấn mạnh: “Có như vậy, chúng ta mới có thể đào tạo ra lực lượng lao động có tay nghề cao cả lý thuyết lẫn thực hành và phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước”.