Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045.
Theo đó, quan điểm của Chính phủ đối với quy hoạch tổng thể điều chỉnh TP Đà Lạt và vùng phụ cận phải đặt trong mối quan hệ không gian vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Tây Nguyên.
Việc điều chỉnh quy hoạch phải dựa trên cơ sở kế thừa có chọn lọc Đồ án Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014, các đồ án quy hoạch đã phê duyệt.
Đồng thời, cập nhật các định hướng phát triển mới của quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng; quy hoạch tỉnh Lâm Đồng; định hướng phát triển kinh tế – xã hội địa phương theo các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp giai đoạn 2021 – 2025; các dự án phát triển giao thông kết nối vùng TP Đà Lạt với các đô thị vệ tinh và vùng phụ cận với vùng duyên hải, vùng Nam Trung Bộ dự kiến đầu tư trong thời gian tới để tạo động lực phát triển đô thị, khu chức năng và vùng nông thôn; các dự án an toàn cấp nước như hồ chứa nước thượng nguồn ĐanKia, hồ Ta Hoét…
Bên cạnh đó, mở rộng phạm vi không gian đô thị TP. Đà Lạt sang các khu vực lân cận và các đô thị vệ tinh theo hướng nghiên cứu, đề xuất các ý tưởng khoa học, hiện đại tạo sự đột phá đối với việc phát triển mở rộng phạm vi không gian đô thị; chuyển dần các khu sản xuất nông nghiệp thuần túy, các khu sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp sang các khu sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch, dịch vụ và một số khu chức năng đô thị có giá trị sử dụng đất hiệu quả.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi ranh giới lập quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận là toàn bộ địa giới hành chính thành phố và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà (gồm thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà) với cao trình 850 m trở lên. Tổng diện tích tự nhiên khoảng 335.930 ha.
Phạm vi nghiên cứu vùng bán kính ảnh hưởng của TP Đà Lạt và vùng phụ cận, bao gồm: TP Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và Đam Rông với cao trình 850 m trở lên.
Phạm vi nghiên cứu mở rộng gồm vùng TP Hồ Chí Minh, vùng duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên và vùng tỉnh Lâm Đồng. Thời hạn quy hoạch đến năm 2045.
Về tính chất đô thị, đây sẽ là trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế – văn hóa, khoa học – kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục – đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia; trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia; trung tâm thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm; trung tâm văn hóa – nghệ thuật, thể dục – thể thao và giải trí cấp vùng và quốc gia; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước. TP Đà Lạt là đô thị phát triển du lịch quốc gia và đô thị có đặc trưng về di sản.
Theo tính toán quy mô dân số đến năm 2035 khoảng 1.100.000 – 1.150.000 người (trong đó dân số đô thị khoảng 850.000 – 900.000 người, dân số nông thôn khoảng 250.000 người); đến năm 2045 khoảng 1.900.000 – 1.950.000 người (trong đó dân số đô thị khoảng 1.500.000 – 1.550.000 người, dân số nông thôn khoảng 400.000 người).
Quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2035 khoảng 25.500 – 27.000 ha (trong đó đất dân dụng khoảng 6.800 – 7.200 ha); đến năm 2045 khoảng 45.000 – 46.500 ha (trong đó đất dân dụng khoảng 12.000 – 12.400 ha).