Phụ huynh lo lắng con không được học đúng tuyến
Trước thông tin phong thanh, diện tích chỗ ở tối thiểu 15m2/người mới được đăng ký thường trú trong nội thành Hà Nội, chị Nguyễn Thị Phương (Tuyên Quang) đang ở trọ tại Mễ Trì, Nam Từ Liêm tỏ ra lo lắng.
Căn nhà trọ của chị Nguyễn Thanh Hoa tồi tàn, tạm bợ, sống qua ngày
Chị Phương cho biết, chị làm công nhân vệ sinh toà nhà trên địa bàn phường Mễ Trì. Lương công nhân vệ sinh chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Vì vậy, gia đình chị 4 người, hai vợ chồng và 2 đứa con (1 đứa 3 tuổi, 1 đứa 5 tuổi) chỉ dám thuê phòng trọ vỏn vẹn 13m2, với giá 1,5 triệu/tháng để sống qua ngày. Nếu quy định trên là thực, gia đình chị sẽ phải bỏ việc về quê cày cấy.
“
TP Hà Nội đang lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ (gọi tắt là dự thảo).
Theo nội dung dự thảo của Hà Nội, diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp đối với khu vực nội thành là 15m2 (gồm 12 quận); đối với khu vực ngoại thành là 8m2 (gồm 18 huyện, thị xã). Diện tích nhà ở tối thiểu là diện tích được tính theo m2 sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.
”
“Vợ chồng chúng tôi đăng ký thường trú hay không cũng không quan trọng. Nhưng với 2 đứa trẻ con, nếu không đăng ký thường trú chúng sẽ không được đi học theo đúng tuyến. Học trái tuyến chi phí cao, với tình trạng quá tải như hiện nay có thể còn không xin học được.
Mỗi người 15m2, nhà tôi 4 người phải thuê 60m2. Giá thuê nhà 60m2 thấp nhất cũng trên 10 triệu đồng, hơn cả tiền lương hai vợ chồng thì lấy đâu ra tiền!”, chị Phương phiền não.
Chị Nguyễn Thanh Hoa cùng nỗi lo, bởi thu nhập tự do từ chạy xe ôm công nghệ cũng chỉ đủ thuê căn trọ 10m2 lấy chỗ “chui ra, chui vào”. Thu nhập không đủ gửi con lớp tư thục, chị phải nhờ mẹ chồng xuống trông con để dành thời gian đi làm.
Hiện cả nhà 5 người, 3 người lớn, 2 trẻ con (đứa nhỏ 1 tuổi, đứa lớn 3 tuổi) sống cùng căn trọ với 1 chiếc giường mét sáu (1,6x2m) và 1 gác xép tự chế hơn 3m2.
“Nhà trọ 10m2, đóng tiền hàng tháng còn trầy trật. Tiền đâu thuê nhà 75m2 để đăng ký thường trú cho con đi học?”, chị Hoa phàn nàn.
Chị Phương và chị Hoa chỉ là hai trong số nhiều lao động phổ thông, thu nhập thấp đứng trước nỗi lo khi áp dụng quy định thường trú với diện tích tối thiểu 15m2.
Cần tạo ra cơ hội công bằng
Chia sẻ với PV Báo Giao thông về nội dung này, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc PropertyGuru Việt Nam cho rằng, quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú như dự thảo, nếu được ban hành có thể khó kiểm soát, phần nào gây tranh cãi trong xã hội.
Theo ông Quốc Anh, chưa thể kết luận việc nhà thuê diện tích hơn 15m2/người có cải thiện mức sống tốt hơn không. Nhưng chắc chắn, diện tích lớn, chi phí thuê tăng, gây áp lực lên người đi thuê trọ, lao động nghèo.
“Nguyên tắc đô thị lớn muốn phát triển thì cần thu hút dân cư để có cơ sở chọn lọc người tài. An sinh xã hội phải được nâng cao thông qua việc phát triển nhà ở xã hội, cân đối chi phí vừa phải và tạo ra cơ hội công bằng cho mọi người dân chứ không phải thêm gánh nặng cho người lao động”, ông Quốc Anh bày tỏ.
Cùng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho hay, hiện nay, dân số của Hà Nội quá đông, đường phố thường xuyên ùn tắc, hạ tầng đô thị quá tải. Dự thảo diện tích tối thiểu của Hà Nội giúp cải thiện tình trạng nhà ở có nhiều hộ, nhiều người chung hộ khẩu cùng một địa chỉ, diện tích ở chật hẹp, không đảm bảo các nhu cầu sống tối thiểu, ảnh hưởng đến việc đảm bảo cơ sở hạ tầng tại địa phương.
Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng, Hà Nội cần làm rõ căn cứ, cơ sở đưa ra diện tích tối thiểu. Đánh giá được tác động của quy định dựa trên thu nhập lao động, tỷ lệ thuê trọ diện tích nhỏ trên địa bàn hiện nay, đặc biệt là những gia đình lao động phổ thông, thu nhập thấp đang có con đi học. Từ đó đưa ra quy định phù hợp, sát với thực tiễn. Nếu áp dụng cứng nhắc, máy móc sẽ phát sinh tác động ngược, ông Bình nói.