Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân
D bắt đầu triển khai thí điểm từ tháng 7/2022 đến nay, nhưng các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã phát huy được hiệu quả thiết thực, đóng vai trò tích cực trong việc truyền thông, hướng dẫn người dân các chính sách pháp luật về chuyển đổi số, hướng dẫn cài đặt nền tảng công nghệ số, kỹ năng số và các ứng dụng số… Đến nay, người dân đã có nhiều tương tác hơn với chính quyền qua các ứng dụng (App) như: Chính quyền điện tử (CaMauG); ứng dụng phản ánh hiện trường (trên app CaMauG), dịch vụ công trực tuyến, sàn thương mại điện tử, giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, các ứng dụng số trên lĩnh vực y tế, lĩnh vực giáo dục, tra cứu kết quả học tập…
Hiện có 91% dân số tỉnh được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Cà Mau đã triển khai thí điểm hệ thống đặt lịch, tư vấn, khám chữa bệnh từ xa cho 14 đơn vị bệnh viện, Trung tâm Y tế.
Đưa công nghệ số đến gần hơn với người dân ở Cà Mau
Ông Trần Quốc Chính – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau, thông tin: “Để phát huy vai trò của các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn, thời gian qua, đã có nhiều lớp tập huấn trực tuyến và trực tiếp về kỹ năng số cộng đồng cho các thành viên tổ tham gia cập nhật, phổ biến kiến thức. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân”, các Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ phân nhóm đối tượng, sau đó triển khai các biện pháp hướng dẫn phù hợp giúp người dân từng bước tiếp cận công nghệ số, kỹ năng sử dụng các ứng dụng số như: Các dịch vụ trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến và bảo vệ mình trên môi trường số… Qua đó, nhằm từng bước hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong tương lai”.
Theo anh Trương Phước Lợi – Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng, khóm 6, phường 5, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau cho biết: “Để công nghệ số đến gần hơn với người dân, các thành viên trong tổ đi đến từng nhà, hướng dẫn từng người. Trước mắt, giúp người dân hiểu và tiếp cận công nghệ số, sau đó hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống. Ví dụ như nếu như trước đây, thay vì thanh toán điện, nước bằng tiền mặt thì giờ thanh toán bằng hình thức chuyển khoản vừa nhanh gọn, đỡ tốn thời gian. Mặt khác, người dân cũng có thể tải app trên điện thoại di động đặt lịch khám bệnh từ xa, giải quyết thủ tục hành chính qua môi trường mạng… và nhiều tiện ích khác một cách nhanh chóng, dễ dàng”.
Đưa ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống
Cán bộ Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Tuy nhiên, đối với một người đã lớn tuổi như ông Võ Thanh Xinh (ngụ khóm 7, phường 6, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau) thì việc tiếp cận và làm quen với công nghệ số không phải là điều dễ dàng. Đặc biệt, nhờ sự hướng dẫn tận tình từ phía các thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn, ông Xinh dần dần hiểu và thao tác được các ứng dụng trên điện thoại di động một cách dễ dàng, điều này giúp ích rất nhiều cho ông trong cuộc sống.
“Những năm gần đây, nghe trên báo, đài và các phương tiện thông tin đại chúng nhắc nhiều về công nghệ số nhưng tôi không rõ công nghệ số có thể áp dụng như thế nào vào cuộc sống. Nhưng từ khi được Tổ công nghệ số cộng đồng đến tận nhà hướng dẫn, tôi đã dần hiểu làm quen với các bước cơ bản để sử dụng các ứng dụng số như: Chuyển tiền, đọc tin tức trên app CaMauG… Lúc đầu, có thể thao tác còn lọng cọng, lúc nhớ lúc quên nhưng làm dần cũng quen, tôi thấy rất hữu ích” – ông Xinh cho biết.
Chung tâm sự, cô Nguyễn Thị Nhàn (xã Phú Thuận, huyện Phú Tân) cho biết: “Trước đây, dù sử dụng điện thoại di động thông minh nhưng tôi chủ yếu nghe gọi là chính, chứ không biết cách khai thác các ứng dụng trên điện thoại, chuyển tiền hay đọc tin tức thì lại càng không biết. Nhưng từ khi được mấy anh em trong Tổ công nghệ số cộng đồng đến hướng dẫn, tôi thấy việc sử dụng các ứng dụng số cũng khá dễ dàng, không khó như tôi nghĩ. Tôi thấy có nhiều điều hay mà tôi cần học hỏi và ứng dụng vào cuộc sống”.
Xây dựng nền hành chính Cà Mau phục vụ tận tâm, hiệu quả thông qua các app và nền tảng công nghệ số, đẩy mạnh công tác kết nối người dân, doanh nghiệp và chính quyền.
Cùng với sự thành công của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu, tác động lớn đến các mặt đời sống xã hội. Chính vì thế, tỉnh Cà Mau huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, trong đó, nòng cốt là nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ công nghệ số cộng đồng, giúp người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia và trở thành công dân số trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Minh Luân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, cho biết: “Cà Mau tiếp tục tập trung nâng cao hiệu lực quản lý của các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; phát triển kinh tế số, xã hội số; đảm bảo an toàn thông tin mạng và an ninh mạng… Đặc biệt, ưu tiên chuyển đổi số ở các lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, thương mại, du lịch, giao thông vận tải, tài chính – ngân hàng, y tế, giáo dục, lao động, việc làm…
“Cà Mau sẽ xây dựng nền hành chính phục vụ tận tâm, hiệu quả thông qua các app và nền tảng công nghệ số, đẩy mạnh công tác kết nối người dân, doanh nghiệp và chính quyền, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức…” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết.
Với phương châm “Chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, hướng dẫn người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số”, thời gian qua, các Tổ công nghệ số cộng đồng đã được triển khai thí điểm tại 14/101 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Hiện toàn tỉnh có 93 Tổ công nghệ số cộng đồng (tổ) với trên 490 thành viên tham gia. Các thành viên trong tổ thực sự là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, huyện, thành phố Cà Mau đến các xã, phường, thị trấn và ấp, khóm. Đồng thời, phát huy tốt vai trò là cầu nối đưa công nghệ số đến gần hơn với người dân, nhất là, bà con vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.