Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương phối hợp với Tổng công ty Becamex IDC và Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng (VIUP) vừa tổ chức Hội thảo giữa kỳ Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, về định hướng không gian phát triển của Bình Dương, nghiên cứu không gian phát triển thành các vùng:
Khu vực phía Nam gồm Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên là trung tâm cửa ngõ của Bình Dương đi TP.HCM, Đồng Nai và cảng biển, đầu mối kết nối giao thông trong vùng. Đô thị hiện đại đáng sống với hạ tầng nhà ở, dịch vụ chất lượng cao, hệ thống y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc tế, giao thông công cộng tiện lợi kết nối TP.HCM, Đồng Nai và trung tâm Thành phố mới Bình Dương, Thủ Dầu Một, Bến Cát, Bàu Bàng là “thỏi nam châm” để thu hút người dân về sinh sống, là công cụ để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, vật lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực trung tâm và các địa bàn phía Bắc của tỉnh.
Khu vực trung tâm Bình Dương (Thủ Dầu Một, Bến Cát, Tân Uyên) với hạt nhân là “trung tâm Thành phố mới Bình Dương” phải tiếp tục quy hoạch để trở thành vùng đổi mới sáng tạo, vùng lõi của một đô thị thông minh Bình Dương.
Các địa phương phía Bắc (Bến Cát, Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên) còn dư địa khá lớn về đất đai, phối hợp quy hoạch để chuẩn bị bất động sản công nghiệp hình thành, tạo lập vành đai công nghiệp; là trung tâm kết nối vùng Đông Nam bộ và cảng sông do các tuyến đường vành đai tạo ra. Khu vực này cần trở thành một cực phát triển mới hình thành Khu liên hợp Văn hóa – Thể dục – Thể thao – Y tế – Giáo dục tầm cỡ khu vực để hỗ trợ cho các cực phát triển của tỉnh và của cả vùng Đông Nam bộ.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, đến cuối tháng 4/2023 cơ bản hoàn chỉnh Đồ án Quy hoạch tỉnh kỳ cuối và lấy ý kiến nhân dân để tiếp thu hoàn thiện Quy hoạch.
Về các lĩnh vực cụ thể, mục tiêu đặt ra cho tỉnh giai đoạn 2022-2030 phải tập trung phát triển được 10.000ha công nghiệp tạo thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng, trên địa bàn các huyện, thị phía Bắc, vừa tiếp tục phát triển công nghiệp vừa là nơi dịch chuyển các doanh nghiệp phía Nam (khoảng 2.888 doanh nghiệp cần phải di dời lên phía Bắc) hoặc tái cấu trúc lại và dư ra khoảng 2.000ha để phát triển đô thị, dịch vụ của Thuận An và Dĩ An trở thành trung tâm đô thị tầm cỡ khu vực. Phấn đấu đến năm 2025 phải di dời được 30% – 40% các doanh nghiệp sản xuất ở phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp phía Bắc thuộc Đề án di dời của tỉnh. Từ đó hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp khoa học công nghệ, khu công nghiệp phụ trợ, công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn, công nghiệp 4.0. Phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 30% doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất sang tự động hóa.
Đồng thời, cần phân bổ không gian định hình phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao theo hướng trở thành các trung tâm tài chính, trung tâm thương mại, trung tâm giáo dục, trung tâm chăm sóc sức khỏe tầm cỡ khu vực và thế giới, các dịch vụ khác.
Về phát triển đô thị, cần chú trọng công tác quy hoạch, đầu tư, chỉnh trang, nâng tầm chất lượng đô thị hướng đến đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, nơi đáng sống, không để hình thành “ổ chuột” trong lòng đô thị. Đến năm 2025 phải xóa đi các ngõ, hẻm đường đất, sỏi đỏ chưa được liên thông và các dân cư chưa đáp ứng các điều kiện hạ tầng, đáp ứng đủ chỉ tiêu phát triển nhà ở (diện tích nhà ở đô thị, nông thôn, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội) theo dự báo quy mô dân số của tỉnh theo từng giai đoạn.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đánh giá, bản dự thảo lần này có bước hoàn thiện hơn rõ hơn về nội dung và chiều sâu đối với các yêu cầu của Quy hoạch, đặc biệt đã tiếp thu khá tốt các ý kiến tại phiên Hội thảo đầu kỳ.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, đến cuối tháng 4/2023 cơ bản hoàn chỉnh Đồ án Quy hoạch tỉnh kỳ cuối và lấy ý kiến nhân dân để tiếp thu hoàn thiện Quy hoạch.