Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tại thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) sẽ có 1.235 ha đất ở tại đô thị và 169 ha đất ở tại nông thôn.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Quyết định số 606/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại thị xã Hương Thủy.
Theo đó, đến năm 2030 trên địa bàn thị xã Hương Thủy có diện tích đất nông nghiệp khoảng 31.373 ha; diện tích đất phi nông nghiệp khoảng 11.260 ha; diện tích đất chưa sử dụng khoảng 116 ha.
Trong diện tích đất phi nông nghiệp nêu trên, diện tích đất khu công nghiệp khoảng 743 ha; đất thương mại, dịch vụ khoảng 428 ha; đất ở tại đô thị khoảng 1.235 ha; đất ở tại nông thôn khoảng 169 ha;…
Cũng theo quy hoạch, diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp khoảng 2.837 ha; diện tích đất phi nông nghiệp không phải đất ở chuyển sang đất ở khoảng 46,2 ha;…
Quy hoạch cũng xác định những định hướng, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất thị xã Hương Thủy đến năm 2050.
Trong đó có việc tranh thủ, đón đầu lợi thế các dự án lớn như mở rộng sân bay quốc tế Phú Bài, khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn 4, đường cao tốc Cam Lộ – La Sơn, khai thác tiềm năng về quỹ đất, phát triển các dịch vụ đô thị và ven đô,…
Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp hiệu quả để thu hút đầu tư phát triển, nâng cao các loại hình dịch vụ, nhất là các dịch vụ về thương mại, tài chính tín dụng, y tế, giáo dục đào tạo,… trong khu đô thị mới An Vân Dương.
Cùng với đó là quy hoạch, kêu gọi các doanh nghiệp có thương hiệu, có kinh nghiệm và nguồn lực đầu tư, khai thác các sản phẩm du lịch có thế mạnh như du lịch tâm linh, sinh thái, du lịch cộng đồng,…
Một dự án bất động sản tại thành phố Huế. Ảnh: Lưu Bang
Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thành phố Huế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp tại thành phố Huế khoảng 12.667,20 ha; đất phi nông nghiệp là 13.729,19 ha; đất chưa sử dụng là 249,69 ha.
Cũng theo phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp là 2.099,76 ha; Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp là 142,0 ha; Đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở là 159,8 ha.
Song song với đó, diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng đất nông nghiệp là 0,50 ha và diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng đất phi nông nghiệp là 169,82 ha.
Quy hoạch sử dụng đất vừa được phê duyệt cũng đã cho biết định hướng, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất thành phố Huế đến năm 2050.
Trong đó có tầm nhìn định hướng không gian đô thị.
Cụ thể khu vực phát triển đô thị Bắc sông Hương nằm ở trung tâm phía Bắc thành phố Huế, thuộc ranh giới hành chính của các phường: Kim Long, Thuận Hòa, Đông Ba, Gia Hội, Phú Hậu, Thuận Lộc, Tây Lộc, Hương Vinh, Hương Sơ, An Hòa, Hương Long.
Đây sẽ là trung tâm di tích lịch sử, văn hoá, thương mại dịch vụ, cảnh quan thiên nhiên đặc thù của thành phố Huế.
Khu vực phát triển đô thị Nam sông Hương nằm ở khu vực trung tâm phía Nam thành phố Huế, thuộc ranh giới hành chính của các phường: Vĩ Dạ, Phú Hội, Xuân Phú, Vĩnh Ninh, Phú Nhuận, Phước Vĩnh, An Cựu, An Đông, An Tây, Trường An, Phường Đúc, Thủy Xuân, Thủy Biều, Thủy Bằng, Hương Thọ.
Đây sẽ là trung tâm hành chính chính trị, kinh tế – xã hội của tỉnh và thành phố Huế; trung tâm thương mại, dịch vụ; trung tâm đào tạo y tế cấp vùng.
Khu vực phát triển đô thị mới An Vân Dương bao gồm các phường An Đông, Xuân Phú, Thủy Vân, Phú Thượng, Phú Dương và một phần các xã thuộc thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang.
Đây là trung tâm dịch vụ thương mại; trung tâm thể dục thể thao, vui chơi giải trí; trung tâm hành chính, công nghệ thông tin tập trung, phục vụ nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng của người dân thành phố cũng như du khách đến thành phố. Là khu đô thị mới hiện đại xen lẫn các hình thức ở.
Khu vực phát triển đô thị Thuận An nằm ở khu vực phía Bắc thành phố Huế, thuộc ranh giới hành chính của các phường Thuận An, Phú Mậu, Phú Dương, Hải Dương, Hương Phong.
Đây sẽ là khu vực phát triển du lịch – kinh tế khai thác tài nguyên biển và hạ du sông Hương. Chức năng đô thị khá đa dạng bao gồm cư trú, thương mại, du lịch, ngư nghiệp, cảng biển.