Dự án xây dựng cầu Ô Môn cùng với tuyến đường kết nối quận Ô Môn, (TP.Cần Thơ) với huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) và tuyến nối cầu Ô Môn với TP.Sa Đéc (Đồng Tháp) sẽ hình thành một tuyến đường trục kết nối liên vùng từ Kiên Giang qua Cần Thơ đến Đồng Tháp.
Cần Thơ đề xuất đầu tư xây dựng cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu tăng cường kết nối với tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang (hình minh họa)
UBND TP.Cần Thơ mới đây đã có văn bản đề xuất đầu tư xây dựng cầu Ô Môn qua sông Hậu kết nối với tỉnh Đồng Tháp.
Theo đó, dự án cầu Ô Môn có tổng chiều dài khoảng 5,4km, điểm đầu giao Quốc lộ 54, cách bến phà Phong Hòa – Ô Môn khoảng 2,7km về phía thượng nguồn sông Hậu (thuộc tỉnh Đồng Tháp). Điểm cuối tại giao đường tỉnh 920 quy hoạch (thuộc địa phận phường Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ). Cầu thiết kế có quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, vận tốc 80 km/h.
Dự án yêu cầu mức kinh phí khoảng 9.187 tỉ đồng, trong đó huy động 7.276 tỉ đồng từ vốn ODA vay Chính phủ Nhật Bản, còn lại 1.911 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố và kết hợp các nguồn vốn khác. Nếu được phê duyệt, dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2023-2030.
Dự án bao gồm công trình cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu và tuyến đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai (thành phố Cần Thơ) với huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) và tuyến nối cầu Ô Môn với thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp). Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ hình thành trục giao thông liên vùng kết nối Kiên Giang – Cần Thơ – Đồng Tháp cũng như vùng ĐBSCL.
Với việc hoàn chỉnh tuyến liên vùng Kiên Giang – Cần Thơ – Đồng Tháp, dự án sẽ tạo tiền đề thúc đẩy giao thương trong nước giữa các tỉnh miền Tây Nam Bộ với miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là TP.HCM với các tỉnh miền Tây…
Hiện sông Hậu đã có hai cầu bắc qua nối các tỉnh, thành trong vùng là cầu Cần Thơ (nối thành phố Cần Thơ với tỉnh Vĩnh Long) và cầu Vàm Cống (nối thành phố Cần Thơ đoạn giáp với tỉnh An Giang, với tỉnh Đồng Tháp)