Chuyên gia đề xuất sớm phân loại, phân khúc bất động sản theo 5 phân nhóm khác nhau để Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính có cơ sở áp dụng hệ số rủi ro.
Đó là một trong những đề xuất được chuyên gia kinh tế phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” ngày 17/2 do Chính phủ tổ chức.
Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia, thị trường bất động sản Việt Nam hiện có nhiều bất thường. Trong khi nền kinh tế vĩ mô phát triển tương đối tốt thì thị trường địa ốc lại gần như đóng băng.
TS Cấn Văn Lực. Ảnh VGP
Tương tự, đánh giá về thị trường bất động sản, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho biết, “Năm 2016, Bộ Xây dựng có một đề án trình Chính phủ mà chính tôi tham gia xây dựng, trong đó có dự báo đến 2023 có thể sẽ có bong bóng bất động sản và điều đó đã xảy ra. Đề án này được xây dựng trên bối cảnh chúng ta đã xảy ra một tình trạng khủng hoảng bất động sản thừa vào năm 2012. Còn tình trạng lần này chủ yếu là thiếu cung, thừa cầu.
Chiết khấu cao để tạo thanh khoản
Về giải pháp, theo ông Cấn Văn Lực, trước mắt Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương cần giải quyết dứt điểm những vụ việc vừa qua để bảo đảm lấy niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.
Thứ hai là sớm sửa dổi các nghị định, thông tư trong thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là liên quan đến chuyển nhượng dự án, xác định tiền thuê đất, định giá đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, quy hoạch nhà ở xã hội.
Vấn đề nữa là Thủ tướng cần chỉ đạo điều tiết quan hệ cung – cầu. Đối với Ngân hàng Nhà nước, cân nhắc sớm cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay trong tháng này để tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện sớm.
Ông Lực cũng đề cập đến việc kiểm soát rủi ro tín dụng bằng cách điều chỉnh lại hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản. Bộ Xây dựng cần là đầu mối để phân khúc bất động sản theo các phân khúc khác nhau như nhà ở xã hội, nghỉ dưỡng,…
Ông Lực kiến nghị Bộ Xây dựng sớm phân loại, phân khúc bất động sản theo 5 phân nhóm khác nhau để Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính có cơ sở để áp dụng hệ số rủi ro.
TS Lê Xuân Nghĩa. Ảnh VGP
Đối với các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản, theo TS Cấn Văn Lực, cho rằng doanh nghiệp cần nâng cao tính công khai, minh bạch trong huy động vốn, sử dụng vốn. Tăng cường tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn, đặc biệt là quyết liệt cơ cấu lại, tiết giảm chi phí.
Doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn. Đồng thời xem xét có phương án cụ thể, quyết liệt để giải quyết căng thẳng thanh khoản khi các trái phiếu đáo hạn. Một số phương án như: Có thể phải bán tài sản, kể cả chấp nhận mức chiết khấu cao, 30-40% để tạo thanh khoản, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài chính với trái chủ.
Về giải pháp lâu dài, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng không thể để cho các nhà phát triển bất động sản mua gom, tích trữ đất đai, tài sản với nguồn lợi nhuận khổng lồ trong khi nhu cầu thiết yếu của người dân không được đáp ứng.
Về vấn đề pháp lý chiếm 70% những vướng mắc hiện nay, thực tế ngân hàng thương mại hiện nay có đầy đủ các chế tài phù hợp với quy định thực tế. Theo ông Nghĩa, thị trường tài chính này quan trọng nhất là lòng tin.
Các doanh nghiệp phải bỏ thói quen kinh doanh chộp giật, thiếu chuyên nghiệp, chưa có tầm quốc tế. Ngoài ra TS Lê Xuân Nghĩa cũng đề xuất bỏ cơ chế nhà ở xã hội mà xây dựng một cơ chế mới cho nhà ở cho người thu nhập thấp; phải đánh thuế về đầu cơ nhà ở;…