Nhiều chuyên gia đề nghị bắt buộc tất cả giao dịch bất động sản đều phải thông qua sàn, trừ trường hợp chuyển nhượng cho người có quan hệ huyết thống.
Đề xuất được đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh Bất Động sản do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM tổ chức, chiều 14/2.
Trong dự thảo mới nhất của Luật Kinh doanh Bất động sản đang được lấy ý kiến, điều 57 quy định hai loại giao dịch bất động sản phải thông qua sàn, gồm: chủ đầu tư bán, cho thuê mua nhà ở hoặc công trình xây dựng hình thành trong tương lai; và chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật. Các giao dịch khác được khuyến khích thông qua sàn.
Luật sư Lê Hồng Nguyên, Trưởng Cơ quan đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại TP HCM, nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Ngô Tùng
Tuy nhiên, luật sư Lê Hồng Nguyên, Trưởng Cơ quan đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại TP HCM, đề nghị nên bắt buộc tất cả giao dịch bất động sản phải thông qua sàn, trừ trường hợp chuyển nhượng cho người cùng huyết thống hoặc tài sản thừa kế.
Quy định “tổ chức, cá nhân khi bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản phải thông qua sàn giao dịch” từng được nêu tại Luật Kinh doanh bất động sản 2006. Sau đó, yêu cầu này được bỏ khi sửa đổi luật năm 2014 nhằm nới lỏng cho thị trường bất động sản.
“Khi nhiều loại giao dịch được bỏ qua yêu cầu lên sàn thì giải quyết đúng được một vấn đề là tạo thông thoáng cho thị trường, còn hệ luỵ lớn quá”, ông nói và đánh giá thời gian qua, bong bóng bất động sản rất lớn. Các vụ án bất động sản cũng làm xáo trộn trật tự tố tụng, như vụ án địa ốc Alibaba.
Chuyên gia dẫn chứng cơ quan thuế đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm minh bạch hoá thị trường, chống thất thu thuế. Ví dụ sẽ chặn lại với các giao dịch mua 10 tỷ nhưng chỉ khai giá trị một tỷ để nộp thuế thấp. Tuy nhiên, tình trạng “khai khống” trong giao dịch bất động sản (mua bán, chuyển nhượng, cho thuê…) vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Hệ quả là giao dịch bất động sản thường thông qua môi giới nên mua bán mất kiểm soát, dẫn tới phân lô bán nền, mua đi bán lại.
“Không có sàn thì không kiểm soát được giá thị trường và ảnh hưởng an ninh tiền tệ. Khi sốt đất thì dân dồn tiền vào bất động sản, nhưng không kiểm soát”, ông nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu góp ý cho dự thảo Luật Kinh doanh Bất Động sản. Ảnh: Ngô Tùng
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hậu dẫn chứng Nghị quyết 18/2022 đã yêu cầu công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt.
“Không nên bàn lùi quy định này nữa”, ông nói.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cũng cho rằng điều 57 dự thảo luật cần bổ sung yêu cầu cá nhân, hộ gia đình tự thực hiện hoặc liên kết, hợp tác với “đầu nậu”, doanh nghiệp để phân lô, bán nền phải giao dịch thông qua sàn bất động sản. Trừ trường hợp giao dịch với người có quan hệ huyết thống, hôn nhân hoặc con nuôi, người được cấp dưỡng theo quy định pháp luật. Mục tiêu là để bảo vệ quyền lợi của khách hàng và góp phần ngăn chặn hành vi lừa đảo cũng như các cơn “sốt đất” đã xảy ra trong thời gian qua.
Kiến nghị này cho thấy HoREA đã thay đổi quan điểm so với trước. Năm 2021, HoREA đề nghị bỏ quy định giao dịch nhà đất phải qua sàn để tránh phát sinh chi phí, giảm bớt gánh nặng cho người mua nhà.
Tiếp thu góp ý của các chuyên gia, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết sẽ gửi các bên liên quan nhằm chọn ra phương án tốt nhất cho lần sửa đổi luật này.
Thu Hằng