Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án, thêm hướng giải quyết tối đa không quá 50% thời gian đóng bảo hiểm xã hội nếu lao động chọn rút một lần.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội không hạn chế rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần song đề xuất hai phương án.
Phương án một là giữ nguyên quy định hiện hành, tức lao động tham gia dưới 20 năm BHXH và sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì được rút một lần. Lao động được rút toàn bộ quá trình đóng nếu có nhu cầu, song về lâu dài sẽ chịu thiệt khi không được hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cách này không thể hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, tác động đến lưới an sinh, tạo áp lực lên ngân sách chi trợ cấp hưu trí.
Phương án hai vẫn giải quyết cho lao động rút một lần song mức tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để sau này lao động đủ tuổi nghỉ hưu được hưởng chế độ BHXH. Cơ quan chuyên môn đánh giá cách này giảm được số tiền chi trả ban đầu cho Quỹ Bảo hiểm xã hội và người lao động chỉ nhận được một nửa tiền cho tổng thời gian đóng. Song lao động vì thế có thể phản ứng mạnh nên cần giải thích cho họ hiểu lợi ích lâu dài nếu chọn bảo lưu một nửa thời gian đóng.
Mức hưởng một lần căn cứ trên số năm lao động đóng BHXH. Mỗi năm được tính bằng 1,5 tháng bình quân tiền lương đóng BHXH cho những năm trước 2014; bằng 2 tháng bình quân tiền lương đóng cho những năm từ 2014 trở đi. Lao động đóng BHXH dưới một năm, mức hưởng tối đa bằng 2 tháng bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Với lao động tham gia BHXH tự nguyện, mức hưởng một lần không bao gồm tiền ngân sách hỗ trợ cho những năm đóng.
Với người ra nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc sau một năm không tham gia hệ thống mà đóng dưới 20 năm BHXH thì có thể lựa chọn nhận trợ cấp hàng tháng nếu không muốn rút một lần. Mức hưởng được tính toán trên số năm đóng và nền tiền lương đóng mỗi tháng.
Đến hết năm 2022, cả nước có hơn 17 triệu người tham gia BHXH, độ bao phủ mới đạt 38% lực lượng lao động trong độ tuổi và còn khoảng 28,4 triệu người chưa vào hệ thống. Mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% theo tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương là thách thức lớn nếu không có những thay đổi căn cơ trong chính sách BHXH.
Độ bao phủ BHXH tăng chậm trong khi số người về một cục lại tăng, bình quân cứ hai người vào hệ thống thì một người rời đi. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thống kê giai đoạn 2016-2020 bình quân mỗi năm gần 750.000 lao động hưởng BHXH một lần. Khoảng 10% lao động rút một lần có thời gian đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên.
Lao động xếp hàng làm thủ tục rút BHXH một lần tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức (TP HCM) cuối năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng
Việt siết hay nới điều kiện hưởng BHXH một lần gây nhiều tranh cãi mỗi lần sửa luật. Năm 2015, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (hiệu lực từ 1/1/2016), điều 60 quy định theo hướng người lao động không được hưởng BHXH một lần sau nghỉ việc mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Trong thời gian chấm dứt hợp đồng, lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm và cộng dồn số năm đóng nếu người đó tiếp tục đi làm trong doanh nghiệp có đóng BHXH bắt buộc. Song quy định được coi là bước tiến khuyến khích lao động ở lại với lưới an sinh khiến nhiều công nhân phản ứng, ngừng việc tập thể.
Chính phủ sau đó kiến nghị Quốc hội sửa đổi quy định theo hướng để người lao động tự chọn hưởng BHXH một lần, hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện. Việc sửa hay không điều 60 đã gây nên cuộc tranh luận gay gắt giữa các đại biểu trên nghị trường. Quốc hội phát phiếu lấy ý kiến, trên 87% đại biểu đồng tình với chủ trương để người lao động được nhận BHXH một lần nếu có nhu cầu.
Hồng Chiêu