Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị giáo viên mầm non có ít nhất 15 năm công tác được nghỉ hưu sớm 5 năm so với quy định.
Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm là phù hợp vì các thầy cô phải chăm sóc trẻ em từ 3 tháng đến 6 tuổi – giai đoạn đòi hỏi tập trung cao độ để giữ an toàn cho các bé ở trường. Họ cũng phải làm việc cường độ cao, liên tục vận động như múa, hát, bế, dỗ dành, chăm sóc trẻ. Áp lực và căng thẳng kéo dài khiến sức khỏe nhiều người giảm sút.
Năm 2020, Công đoàn Giáo dục Việt Nam khảo sát cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy về tuổi nghỉ hưu. Kết quả, gần 10.700 ý kiến (96%) kiến nghị nữ giáo viên mầm non và 2.900 ý kiến (93%) đề nghị nữ giáo viên thể dục được nghỉ hưu ở tuổi 55.
Bộ luật Lao động hiện hành quy định tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình để đạt 62 tuổi với nam vào năm 2028 và 60 tuổi với nữ vào năm 2035. Theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non sẽ là 57 với nam và 55 với nữ.
Thầy Bàn Văn Đức 12 năm cắm bản tại điểm trường mầm non Chuyên Gia 3 thuộc Trường mầm non Nậm Kè (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Ảnh: Ngọc Thành
Ba năm qua, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã ít nhất hai lần kiến nghị xếp giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Đây là cơ sở để giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm 5 năm bởi luật hiện hành quy định lao động từ đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành, được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn (không quá 5 năm) so với tuổi nghỉ hưu bình thường.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được lấy ý kiến đến tháng 4, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.
Hồng Chiêu