Tại Hội nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2023 diễn ra chiều 18/5, bà Ngô Thị Hồng Hà, Chủ tịch Công đoàn một doanh nghiệp tại khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) nêu ý kiến, với nhóm công nhân, lao động trực tiếp, bảo hiểm xã hội quy định độ tuổi nghỉ hưu áp dụng chung như hiện nay là quá cao. Lý do, tuổi nghề của công nhân hạn chế vì phải tăng ca, thời gian làm việc chân tay lớn, khó duy trì dài.
Bà Ngô Thị Hồng Hà là Chủ tịch công đoàn của một doanh nghiệp tại huyện Chương Mỹ.
“Công nhân làm việc trực tiếp mà áp dụng tuổi nghỉ hưu chung như hiện nay là quá dài trong khi thực tế, nhiều trường hợp người lao động chỉ đi làm được 15 năm. Vì vậy, chúng tôi đề nghị cơ quan liên quan xem xét thêm về vấn đề này”, bà Ngô Thị Hồng Hà nói.
Nữ Chủ tịch Công đoàn này cho biết thêm, theo quy định hiện nay, người lao động có 20 năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng lương hưu với tỷ lệ 45%, tham gia 35 năm được hưởng mức 75% (mức cao nhất). Với mức lương đóng bảo hiểm xã hội khoảng 5 triệu đồng/tháng của công nhân, khi nghỉ hưu, lao động này sẽ nhận lương hưu chỉ gần 3 triệu đồng.
Mức lương hưu đó, theo nữ Chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp, khó để đảm bảo được cuộc sống của người lao động. Vì vậy, bà Ngô Thị Hồng Hà đề nghị xem xét về mức hưởng lương hưu.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại với công nhân, lao động.
Anh Nguyễn Đan Đích, công nhân Công ty TNHH Sakura Hồng Minh Việt Nam phản ánh: “Công nhân trực tiếp luôn mong muốn được giảm điều kiện về tuổi nghỉ hưu để khi về già, chúng tôi có một khoản trang trải cuộc sống. Theo quy định hiện nay, nghỉ hưu sớm sẽ bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu”.
Nam công nhân này tới nay đã đóng bảo hiểm xã hội được 18 năm, song tính về điều kiện tuổi thì phải 22 năm nữa mới bắt đầu được hưởng lương hưu. Đặc thù công việc sản xuất linh kiện xe máy hiện khá vất vả, lại thêm sức khỏe đi xuống, anh Đích dự tính chỉ “cố” thêm được 5 năm nữa.
Theo anh Đích, nhiều công nhân khác anh biết đều có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần sau khi nghỉ việc. Bởi nhiều người quan niệm không biết có sống được đến lúc hưởng lương hưu hay không (phải đủ 62 tuổi).
Tổng hợp các kiến nghị, ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, công nhân lao động đề nghị thành phố đề xuất Quốc hội khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội nghiên cứu giảm tuổi nghỉ hưu cho một số nhóm đối tượng lao động trực tiếp; tăng quyền lợi để thu hút người lao động tham gia và giảm số người rút bảo hiểm xã hội một lần.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết, về kiến nghị tăng quyền lợi của người hưởng, thực hiện Nghị quyết 28, đơn vị đã tham mưu Thành ủy, UBND thành phố ban hành nghị quyết, kế hoạch tổ chức triển khai nội dung này.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc bảo hiểm xã hội Hà Nội.
Vừa qua, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã được đưa ra lấy ý kiến của đông đảo người dân. Về điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, cơ quan soạn thảo thiết kế rút từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới chỉ còn 10 năm để thêm nhiều người lao động có cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội khi đã ở độ tuổi cao.
Về việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần, nhà nước khuyến khích người lao động không hưởng trợ cấp một lần mà tạo điều kiện để người tham gia bảo hiểm ở lại hệ thống để có lương hưu, được đảm bảo an sinh xã hội khi về già.
Về đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu, ông Mến thông tin, theo Bộ luật Lao động, bắt đầu từ năm 2021, cả nước bước vào lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tới khi đạt mức 60 tuổi với lao động nữ, 62 tuổi với lao động nam.
“Hi vọng giảm tuổi nghỉ hưu khó khả thi. Thực tế, nhiều nước trên thế giới hiện tuổi nghỉ hưu đã được nâng lên rất cao, như 68 tuổi và đang hướng tới mốc 70 tuổi. Chúng tôi ghi nhận, tiếp thu để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét”, ông Mến trao đổi.