Để người dân biên giới không sập “bẫy” tội phạm khi tìm việc làm

Biên phòng – Sau Tết Quý Mão 2023, có rất nhiều người dân sinh sống trên tuyến biên giới đất liền của tỉnh Nghệ An rời quê đi các nơi khác tìm công ăn việc làm nên dễ “sập bẫy” tội phạm lừa đảo, mua bán người. Vì vậy, các đồn Biên phòng của BĐBP Nghệ An đã tăng cường bám địa bàn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giúp nhân dân phòng, tránh những cạm bẫy, thủ đoạn của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mua bán người.


Tổ công tác của Đồn Biên phòng Tri Lễ phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng hình thức lưu động. Ảnh: Hải Thượng

Sinh sống trên địa bàn biên giới đất liền của tỉnh Nghệ An chủ yếu là cư dân thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn. Do sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, thu nhập bấp bênh, những năm gần đây, nhiều người dân ở những bản làng vùng cao đã lựa chọn cách rời bản làng đi làm ăn xa. Thế nhưng, trong số hàng nghìn người dân xa quê tìm việc làm, có không ít trường hợp bị các loại tội phạm lợi dụng, lôi kéo tham gia vào các hành vi vi phạm pháp luật. Xót xa hơn, có người trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An chỉ rõ, trên địa bàn có 6 huyện vùng cao được xác định là địa bàn trọng điểm mà tội phạm mua bán người nhắm đến gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp. Tội phạm mua bán người chủ yếu lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhu cầu việc làm của người dân rồi dùng lời lẽ dụ dỗ, hứa hẹn trả lương cao để lôi kéo nạn nhân sập “bẫy”. Chúng thường thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook chỉ dẫn những người nhẹ dạ cả tin ra khỏi địa bàn, rồi mới tiếp cận để đưa đi theo ý đồ đã vạch ra. Ngoài ra, có một số đối tượng dùng thủ đoạn tìm đến các gia đình có phụ nữ ở các vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đang mang thai nhưng không muốn nuôi con, đưa sang nước ngoài sinh con, rồi bán. Hành vi, thủ đoạn của tội phạm rất tinh vi khiến cho công tác đấu tranh của BĐBP và lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn.

Đặc biệt, thời điểm tội phạm mua bán người tăng cường hoạt động lừa gạt những người thiếu hiểu biết và nhẹ dạ, cả tin thường là sau dịp Tết Nguyên đán khi nhiều người dân ở khu vực biên giới phía Tây Nghệ An lại tiếp tục hành trình xa quê tìm việc làm. Do đó, các đồn Biên phòng của BĐBP Nghệ An đã khẩn trương bám địa bàn, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho nhân dân biên giới. Trong đó, tập trung phân tích, làm rõ để đồng bào thấy rõ những thủ đoạn tinh vi của tội phạm mua bán người, biết cách phòng tránh, không rơi vào cạm bẫy do chúng bày ra.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đơn vị chuyên trách của BĐBP Nghệ An đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình địa bàn, không để tội phạm mua bán người xâm nhập, câu móc để hoạt động. Đồng thời, điều tra, xác lập các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh, triệt xóa các đường dây tội phạm, bắt giữ các đối tượng liên quan. Đại tá Dương Hồng Hải, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Nghệ An cho biết: “Căn cứ vào tình hình địa bàn, trong dịp Tết, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị cử các tổ công tác bám sát cơ sở, duy trì an ninh trật tự, cùng vui Xuân với nhân dân. Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ cũng tích cực tuyên truyền, vận động để bà con nâng cao nhận thức, không để các loại đối tượng xấu lôi kéo tham gia vào các hành vi vi phạm pháp luật, tránh cạm bẫy của tội phạm mua bán người”.


Đồn Biên phòng Tri Lễ phối hợp với UBND xã Tri Lễ tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật cho nhân dân địa phương. Ảnh: Hải Thượng

Cũng như những năm trước, sau Tết Quý Mão 2023, trên địa bàn do Đồn Biên phòng Tri Lễ phụ trách có rất đông người dân rời bản làng đi làm ăn xa. Trong số đó, có không ít người đồng bào dân tộc Mông ở những bản làng cách trở, chưa tiếp xúc nhiều với xã hội bên ngoài. Họ là đối tượng rất dễ bị tội phạm mua bán người tiếp cận sử dụng các thủ đoạn để lừa gạt. Những ngày sau Tết, các tổ công tác của Đồn Biên phòng Tri Lễ và chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đã có mặt tại các bản làng vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân. Đại úy Nguyễn Xuân Cương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tri Lễ cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền bằng các hình thức khác nhau, bằng cả ngôn ngữ phổ thông và tiếng nói của đồng bào các dân tộc. Nội dung được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, để khuyến cáo người dân tránh xa những cạm bẫy của tội phạm mua bán người khi rời khỏi địa bàn đến các nơi khác tìm việc làm”.

Quá trình triển khai các biện pháp phòng, chống tội phạm mua bán người, BĐBP và các lực lượng chức năng đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Bởi tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi, với nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau, trong khi đó, người dân khu vực biên giới đang thiếu công ăn việc làm. Không chỉ vậy, nhận thức của một số bộ phận nhân dân còn hạn chế, rất dễ bị tội phạm lừa gạt đưa vào “bẫy”. Trong khi, công tác hỗ trợ các nạn nhân của tội phạm mua bán người cũng mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tiếp nhận, hỗ trợ tiền tàu xe, các nhu cầu thiết yếu ban đầu mà chưa được tiếp cận các dịch vụ như vay vốn, học nghề, tạo việc làm để có cuộc sống ổn định lâu dài, không phải rời quê hương đi làm ăn xa rồi rơi vào cạm bẫy của tội phạm.

Viết Lam