Đầu tư gì tại 7 thị trường bất động sản hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương?

Thị trường bất động sản trong khu vực bắt đầu diễn ra quá trình tái định giá mạnh mẽ hơn trong năm nay, kéo theo những thay đổi về định hướng đầu tư.

https://www.mingtiandi.com/wp-content/uploads/2023/03/beautiful-architecture-building-exterior-cityscape-2022-12-16-04-03-51-utc-1024x683.jpg

Một số thị trường trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) có thể thu hút đầu tư ngay trong nửa đầu năm 2023, trong khi một số thị trường phải chờ đợi dòng vốn lâu hơn.

Đây sẽ là thời điểm tốt cho các nhà đầu tư có lựa chọn đúng đắn về thị trường, loại hình bất động sản và chiến lược. Các thị trường cửa ngõ là nơi trú ẩn an toàn và đã thu hút dòng vốn tư nhân mạnh mẽ sẽ phát triển nhanh chóng. Các bất động sản nhà ở, hậu cần và khoa học đời sống là các lựa chọn tốt để bảo vệ nhà đầu tư khỏi lạm phát. Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân với dòng vốn chủ sở hữu dồi dào sẽ tiếp tục duy trì hiệu quả tốt bất chấp sự biến động của thị trường và lãi suất.

Úc

Các văn phòng hạng A sẽ mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư với lợi suất ổn định do nhu cầu thuê tăng lên sau đại dịch. Dòng vốn có thể vượt qua con số trước đại dịch trong năm 2024 và 2025. Trong khi đó, chủ sở hữu các tòa văn phòng hạng B sẽ hưởng lợi nếu tiến hành nâng cấp và tái định vị bất động sản.

Bất động sản công nghiệp cũng là một “món hời” nhờ tăng trưởng giá thuê khi nguồn cung hạn chế. Trong khi đó, ngành bán lẻ tiếp tục được định giá lại, nhất là dự án nằm tại các vị trí đắc địa với tiềm năng tăng thu nhập trong tương lại.

Xu hướng phát triển bền vững tiếp tục sẽ được chú trọng trong ngành bất động sản, được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư tổ chức.

Trung Quốc

Bất động sản hậu cần, khu công nghiệp và khoa học đời sống với thu nhập cho thuê ổn định sẽ tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư tổ chức trong nước, bao gồm các công ty bảo hiểm và nhà nước và quỹ REIT. Các nhà đầu tư trong nước sẽ đóng vai trò chủ đạo trong các giao dịch trong năm 2023.

Các nhà đầu tư nước ngoài đang theo đuổi các cơ hội trong lĩnh vực khoa học đời sống và căn hộ cho thuê. Các bất động sản thương mại ưu đãi với giá chiết khấu sẽ thu hút vốn dài hạn. Đây cũng là thời điểm để mua bất động sản với giá thấp tại các thị trường cốt lõi và mới nổi.

Ấn Độ

Các khoản đầu tư vào bất động sản thay thế đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2019, phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng của nhà đầu tư, đặc biệt là với các trung tâm dữ liệu. Nguồn cung trung tâm dữ liệu ở Ấn Độ dự kiến sẽ tăng gấp đôi, tạo ra một số cơ hội đầu tư lớn; trong khi lĩnh vực văn phòng tiếp tục thống trị nhờ các giao dịch lớn hơn.

Các nhà đầu tư toàn cầu bị thu hút bởi động lực nhu cầu ổn định trong các lĩnh vực văn phòng, các bất động sản thay thế và các khu phức hợp, cũng như các cơ hội trong việc vận hành và phát triển dự án tại Ấn Độ. Trong khi đó, nhà đầu tư trong nước tiếp tục đặt cược vào nhà ở và bất động sản bán lẻ.

Nhật Bản

Ở Nhật Bản, lạm phát nhẹ và lãi suất không tăng mạnh. Do đó, chi phí tài chính vẫn ở mức thấp, giúp thị trường thuận lợi trong việc đảm bảo chênh lệch lợi suất hợp lý so với toàn cầu.

Nhu cầu về không gian văn phòng, nhất là ở Tokyo, đang phục hồi ngay cả khi một số người thuê thu hẹp quy mô do tăng cường làm việc từ xa.

Với sự phát triển của thương mại điện tử và cải cách chuỗi cung ứng, nhu cầu của người dùng cuối đối với nhà kho hiện đại vẫn cao và có khả năng tiếp tục tăng sau năm 2023. Tuy nhiên, các nhà kho mới hoàn thành gần đây vẫn còn chỗ trống ở một số thị trường, nhưng thường được lấp đầy trong vòng một năm sau khi hoàn thành.

Lĩnh vực khách sạn đã vượt qua cơn bão nhờ các chương trình khuyến mãi du lịch nội địa và hỗ trợ tài chính của chính phủ. Mặc dù giá giao dịch không thấp đáng kể, nhưng vẫn có hoạt động đầu tư tích cực với dự đoán tỷ lệ lấp đầy sẽ sớm trở lại mức trước đại dịch.

New Zealand

Nhu cầu của người thuê văn phòng và nhà đầu tư tập trung nhiều vào các bất động sản cao cấp tại các khu vực đắc địa. Trong lĩnh vực bán lẻ, việc mở cửa trở lại biên giới đã thu hút các thương hiệu quốc tế gia nhập hoặc mở rộng sự hiện diện tại các địa điểm bán lẻ hàng đầu của quốc gia. Đồng thời, nhu cầu thuê tăng cao trong lĩnh vực công nghiệp đã kéo tỷ lệ trống xuống mức rất thấp, đẩy tiền thuê lên cao kỷ lục.

Khi thị trường phát triển, nhu cầu định giá tài sản có thể tăng lên khi chủ sở hữu đánh giá lại danh mục đầu tư trong bối cảnh môi trường thay đổi.

Singapore

Dòng vốn nước ngoài vẫn tiếp tục chảy mạnh mẽ vào Singapore, một minh chứng cho sức hấp dẫn của quốc gia này với vai trò một điểm đến đầu tư toàn cầu. Các khoản đầu tư có thể sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023 khi diễn biến lạm phát và lãi suất trở nên chắc chắn hơn.

Các giao dịch có thể sẽ nhỏ hơn vì các giao dịch mua lớn hơn đòi hỏi thời gian kéo dài và sử dụng đòn bẩy cao hơn, điều này không thuận lợi trong môi trường kinh doanh hiện tại.

Khi các nhà đầu tư tổ chức lùi bước, các dòng vốn tư nhân sẽ ngày càng nổi bật, tập trung vào thị trường nhà ở cao cấp, không gian thương mại và nhà phố thương mại.

Hàn Quốc

Các trung tâm dữ liệu đang ngày càng nổi bật. Nhu cầu tăng sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn cho loại hình bất động sản này so với văn phòng, bán lẻ và hậu cần. Các nhà đầu tư toàn cầu đang tích cực tham gia vào thị trường trung tâm dữ liệu của Hàn Quốc và thích Hàn Quốc hơn các quốc gia khác trong khu vực do giá điện rẻ hơn, cơ sở hạ tầng CNTT-TT ổn định và sự hỗ trợ của chính phủ.

Trong 5 năm qua, văn phòng chiếm khoảng một nửa tổng đầu tư bất động sản của Hàn Quốc. Mặc dù các nhà đầu tư vẫn ưa thích văn phòng, nhưng sự quan tâm của họ đang chuyển sang dịch vụ hậu cần và khách sạn.