Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, cùng các đại biểu Quốc hội (đơn vị bầu cử số 4) đã tiếp xúc với cử tri Q.Hoàng Mai (Hà Nội) và H.Gia Lâm (Hà Nội) trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri
Chia sẻ với cử tri, Bí thư Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian vừa qua, công tác cải cách hành chính trên địa bàn thành phố tiếp tục được đẩy mạnh; kỷ cương hành chính tiếp tục được củng cố. Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của Hà Nội tăng 7 bậc so với năm 2021, đứng thứ 3/63 địa phương.
Người đứng đầu Đảng bộ TP.Hà Nội chia sẻ thêm, năm 2022, thành phố đã làm được một điều rất quan trọng, đó là làm đề án phân cấp, ủy quyền. “Chúng tôi làm mất một năm thì mới thông qua Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, rồi giao UBND thành phố báo cáo, được HĐND TP.Hà Nội thông qua vào kỳ họp cuối năm 2022”, ông Dũng nói.
Qua thống kê có khoảng 1.900 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền các cấp, từ HĐND, UBND thành phố, chủ tịch UBND thành phố đến các sở, ngành, quận, huyện, xã phường. Trong đó, riêng cấp sở, ngành có khoảng 1.154/1900 thủ tục. Hiện Hà Nội đã thực hiện phân cấp, ủy quyền hơn 700 TTHC.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, quá trình xây dựng đề án là quá trình “đấu tranh nội bộ rất quyết liệt” về nhận thức và tư tưởng. Nếu như trước kia, khi xây dựng trường cấp 3 ở Q.Hoàng Mai thì phải do thành phố quyết định chủ trương, quyết định dự án, tiếp đó là xây dựng trường học. Rồi khi trường bị xuống cấp, hư hỏng một chút cũng đến lượt thành phố làm.
“Chính tại H.Gia Lâm, xin thành phố bỏ tiền của địa phương ra xây trường cấp 3, khi đưa lên Sở GD-ĐT, KH-ĐT, QH-KT, TN-MT, Xây dựng… mỗi ông một ý kiến rồi 2 năm không trả lời… Đấy là chúng ta với nhau, thế còn người dân và doanh nghiệp thì thế nào? Một điểm nghẽn rất lớn trong nhận thức, trong tư tưởng”, ông Dũng bày tỏ, và cho biết, trước thực trạng này, thành phố đã quyết tâm làm đề án phân cấp, ủy quyền. Việc triển khai phân cấp, ủy quyền đã giúp khơi thông được điểm nghẽn.
Trước đó, phát biểu tham luận tại phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố đã chỉ đạo hoàn thành tái cấu trúc, tích hợp 70% TTHC đủ điều kiện tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; đồng thời ban hành quyết định phê duyệt phương án ủy quyền TTHC, trong đó ủy quyền 708 TTHC (đạt 37,4%), vượt chỉ tiêu tối thiểu theo quyết định của Thủ tướng.
“Đây là một trong những việc khó của thành phố đã làm được trong thời gian qua, phải chuyển đổi nhận thức của cán bộ cho đến tổ chức triển khai. Điều này đã góp phần tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện TTHC”, ông Thanh chia sẻ.