Đóng góp nhiều tâm sức cho lĩnh vực đào tạo
Ông Xuân Thu khởi đầu công việc tại Trường Đại học Luật Hà Nội – nơi ông tốt nghiệp và được giữ lại làm Giảng viên từ năm 1995. Bên cạnh công việc chuyên môn là giảng dạy về pháp luật lao động, pháp luật an sinh xã hội và nghiên cứu khoa học, ông Xuân Thu còn tham gia tích cực vào các phong trào của nhà trường trong vai trò nhiều năm là Phó Bí thư, Bí thư Đoàn Trường Đại học Luật Hà Nội, rồi Phó Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp, phụ trách Văn phòng Đảng ủy Trường Đại học Luật Hà Nội. Môi trường của tuổi trẻ sôi nổi, chuyên nghiệp giúp ông hun đúc ngọn lửa nhiệt huyết và tích luỹ nhiều kinh nghiệm quý trong công tác đào tạo cán bộ pháp luật.
Công việc có sự thay đổi khi năm 2012, ông được điều động về Bộ Tư pháp làm Phó Trưởng Ban thư ký giúp việc Lãnh đạo Bộ Tư pháp. Không còn là giảng viên với lĩnh vực chuyên môn được giao mà ở môi trường mới, việc làm thư ký cho lãnh đạo Bộ cần những kiến thức sâu hơn, rộng hơn, toàn diện hơn trên mọi lĩnh vực quản lý của ngành Tư pháp. “Khó khăn, thử thách nhưng đây thực sự là môi trường rất tốt để người ta trải nghiệm, trưởng thành”, ông Thu nhớ lại. Và chỉ 2 năm sau đó, trước yêu cầu của công việc, ngày 01/4/2014 ông Thu được điều động và bổ nhiệm làm Phó Giám đốc phụ trách công tác đào tạo của Học viện Tư pháp thông qua con đường thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp vụ lần đầu tiên được tổ chức ở cấp Bộ, ngành Trung ương. Sau 07 tháng nhận nhiệm vụ tại Học viện Tư pháp, ông Thu được bầu làm Bí thư Đảng ủy Học viện Tư pháp (từ ngày 01/11/2014).
Vào thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 2083/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” (tháng 11/2013). Thực hiện Đề án trong bối cảnh nguồn lực của Nhà trường còn nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ, giảng viên và áp lực về thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính…. nhưng với quyết tâm phải thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đề án đặt ra, ông Thu đã lựa chọn lĩnh vực đào tạo – lĩnh vực “trụ cột” của Học viện là khâu đột phá. Là người phụ trách lĩnh vực này, ông Thu đã nghiên cứu, chỉ đạo đổi mới toàn diện công tác đào tạo, từ công tác xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, đến việc đổi mới công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo…
Thông qua việc xây dựng và triển khai có chất lượng nhiều chương trình đào tạo, Học viện Tư pháp đã mở ra một mô hình đào tạo mới – đào tạo kỹ năng nghề để tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp. Qua thời gian, đến nay, Học viện có sự phát triển vượt bậc về quy mô, số lượng, chất lượng đào tạo không ngừng được nâng cao. Nhiều mô hình đào tạo mới thích ứng với xu thế phát triển công nghệ thông tin đã được đưa vào vận hành cho kết quả tốt. Nhiều thế hệ học viên ra trường đã được tuyển dụng, tiếp nhận và trưởng thành ở các cơ quan trong hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Bên cạnh công tác đào tạo, nhiều văn bản, đề án lớn của Bộ, ngành Tư pháp cũng có sự đóng góp trí tuệ của Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu. Ngoài ra ông cũng cùng Lãnh đạo Học viện luôn tích cực, chủ động trong việc việc chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ triển khai các nhiệm vụ của Bộ, ngành, như: đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, nhất là bồi dưỡng nhằm hoàn thiện tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo quản lý cấp Vụ, cấp Phòng nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu kiện toàn lãnh đạo, quản lý của các đơn vị thuộc Bộ; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp; triển khai tích cực Dự án ODA “Hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào” và các hoạt động hợp tác quốc tế khác; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tổ chức thành công các kỳ thi tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, kỳ thi tuyển dụng, nâng ngạch công chức của ngành Thi hành án dân sự, các kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, nghề công chứng, nghề đấu giá, thăng hạng trợ giúp viên pháp lý…
Đặc biệt, trong vai trò là người đứng đầu, Giám đốc Nguyễn Xuân Thu đã tích cực làm đầu tàu huy động trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, cùng Lãnh đạo Học viện xây dựng Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” báo cáo Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ. Đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2022. “Chúng tôi cho rằng đây sẽ là cơ hội để Bộ, ngành Tư pháp phát huy hiệu quả các thành tựu đã đạt được từ việc triển khai thực hiện Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, đồng thời thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế nhằm cung cấp nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp chất lượng cao cho đất nước, góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện thắng lợi Chiến lược cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và hội nhập quôc tế trong tình hình mới” – ông Thu nói.
Khẳng định vị thế là trung tâm lớn nhất của cả nước về đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp
Mang trong mình tố chất của một cán bộ Đoàn năng động, nhiệt huyết, các hoạt động phong trào, từ thiện, tổ chức các hoạt động hướng nghiệp cho học viên… cũng được Giám đốc Thu quan tâm và cho triển khai thực hiện trong nhiều năm qua, trong đó có thể kể đến là các chương trình trao học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó trên mọi miền đất nước, tặng quà các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; các chương trình quyên góp ủng hộ Quỹ vì Trường sa, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ vì nạn nhân chất độc màu da cam; ủng hộ đồng bào bị thiệt hại trong các đợt thiên tai, bão lụt… Các phong trào có sức lan toả, góp phần sẻ chia yêu thương và qua đó, cũng để lại những thiện cảm về một Học viện Tư pháp nghĩa tình.
Ông Xuân Thu cũng là người khởi thảo và thực hiện nhiều sáng kiến nhằm phát triển thương hiệu của Học viện Tư pháp; tạo sân chơi cho giảng viên, Học viên. Đơn cử như cuộc thi Tài năng nghề luật chung ở tất cả các học viên đào tạo chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, Hội thi thao giảng và công nhận giảng viên dạy giỏi cấp khoa và cấp Học viện, cuộc thi sáng tại biểu trưng (Logo) và khẩu hiệu (Slogan), thành lập Câu lạc bộ Cựu học viên, Liên hoan văn nghệ (vòng sơ khảo và chung khảo) cho giảng viên, học viên cả khối đào tạo và bồi dưỡng của Học viện Tư pháp ở cả hai miền Bắc Nam và các lớp liên kết đào tạo tại địa phương… lần đầu tiên được tổ chức tại Học viện Tư pháp vào năm 2022. “Đây vừa là cơ hội để khơi dậy lòng yêu ngành, yêu nghề, yêu trường, yêu bạn; vừa là sợi dây kết nối, lan tỏa và tự hào về truyền thống đoàn kết của Học viện Tư pháp”, Giám đốc Thu tâm sự.
6 năm làm Phó Giám đốc Học viện, sau đó là Phó Giám đốc phụ trách rồi Giám đốc (từ ngày 30/3/2021 đến nay), nhìn lại “cơ ngơi” của Học viện ông Nguyễn Xuân Thu không khỏi xúc động, tự hào. Từ khi mới thành lập với quy mô nhỏ bé về mọi lĩnh vực thì đến nay, nhà trường đã có một đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng hùng hậu cả về số và chất lượng, một cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng. Từ năm 2019, Học viện được giao tự chủ 100% chi hoạt động thường xuyên, về dích sớm 3 năm so với lộ trình được giao… Đặc biệt, thông qua những con số rất ấn tượng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, Học viện Tư pháp đã khẳng định vị thế là trung tâm lớn nhất của cả nước về đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp và nghiên cứu khoa học ứng dụng thực hành nghề luật.
Những thành công bước đầu đó có dấu ấn quan trọng của người đứng đầu Học viện qua các thời kỳ. Nhưng nói về mình ông Xuân Thu chỉ khiêm tốn “đó là nhờ sự quan tâm của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các đơn vị thuộc Bộ, các Bộ, ngành liên quan và hơn cả là sự đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực cố gắng của tập thể Đảng ủy, Lãnh đạo Học viện và toàn thể viên chức, người lao động của Học viện”.
Những đóng góp của Học viện Tư pháp cho Bộ, ngành Tư pháp, cho đất nước và xã hội đã được ghi nhận bằng nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua ngành Tư pháp, Cờ thi đua Chính phủ và mới đây nhất, đầu năm 2023, Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Nhì” cho tập thể Học viện. Riêng Giám đốc Học viện Nguyễn Xuân Thu cũng được nhận nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng xứng đáng, như nhiều lần được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bằng khen của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Bằng khen của Công đoàn viên chức Việt Nam, Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, “Cá nhân điển hình tiên tiến ngành Tư pháp giai đoạn 2015-2020”, Chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp, Huân chương hữu nghị của Nhà nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào…
Tuy nhiên, điều trăn trở đối với Giám đốc Học viện Tư pháp vẫn là vấn đề tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn hiện nay, nhất là trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đẩy mạnh cải cách tư pháp; tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp theo Quyết định số 1155/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Học viện dù đã lớn mạnh trong nhiều lĩnh vực nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách trong cơ chế tự chủ, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của các cơ sở đào tạo cán bộ pháp luật, tư pháp, trong đòi hỏi mới của Cuộc cách mạng công nghệ 4.0…
Nhận diện đúng những cơ hội cũng như khó khăn, thách thức trong thời gian tới để xác định lộ trình, bước đi phù hợp đặt lên vai người đứng đầu những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Tuy nhiên, với chặng đường vẻ vang 25 năm hình thành và phát triển, những kết quả ấn tượng của Học viện Tư pháp đạt được sẽ là nền tảng, cơ sở vững chắc để Giám đốc Xuân Thu cùng những người đồng nghiệp của mình tiếp tục phát huy truyền thống, khẳng định thương hiệu Học viện Tư pháp trong chặng đường tiếp theo.
Với tư cách là Phó Giám đốc phụ trách đào tạo trước đây và tư cách Giám đốc Học viện hiện nay, ông Thu đã trực tiếp chỉ đạo tổ chức hoạt động tuyển sinh, đào tạo của Học viện có sự phát triển vượt bậc về quy mô, số lượng, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Trong 05 năm (2017 – 2021), Học viện Tư pháp đã tuyển sinh, đào tạo 24.944 học viên, tăng 48,5% (tương ứng với 8.148 học viên) so với 05 năm giai đoạn trước đó (2012-2016). Cũng trong thời gian này, Học viện Tư pháp đã xét và cấp Chứng chỉ/Giấy chứng nhận tốt nghiệp cho 17.166 học viên. Đặc biệt, năm 2017, Học viện đã tổ chức khai giảng khóa đầu tiên đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế và năm 2018 tổ chức khai giảng khóa đầu tiên đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư.